Hội nghị báo cáo tổng kết Dự án “Đánh giá tác động của Biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước dưới đất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đề xuất giải pháp ứng phó”

AThanh27112013Sáng nay, ngày 27 tháng 11 năm 2013, Trung tâm QH&ĐT TNNQG đã tổ chức Hội nghị báo cáo tổng kết Dự án “Đánh giá tác động của Biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước dưới đất vùng đồng bằng sông Cửu Long, đề xuất giải pháp ứng phó” do TS. Bùi Trần Vượng, Phó Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam làm Chủ nhiệm Dự án.

 

TS. Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm QH&ĐTTNNQG, chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện Vụ Tài chính, Bộ TNMT; PGS.TS. Trần Hồng Thái, Viện Khí tượng Thủy văn Việt Nam; ThS. Trương Đức Chí, Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu; ThS. Trần Thị Huệ, Cục Quản lý tài nguyên nước; PGS.TS. Phạm Quý Nhân, Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; ThS. Nguyễn Chí Nghĩa, Trường Đại học Mỏ – Địa chất; thành viên Hội đồng thẩm định và các phóng viên đến từ Thông tấn xã Việt Nam cùng tham dự. 

A Vuong 27-11-2013

Tại Hội nghị, TS. Bùi Trần Vượng, Phó Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam, Chủ nhiệm Dự án đã trình bày khái quát về Dự án và phân tích hiệu quả của Dự án. TS. Bùi Trần Vượng cho biết, Biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ gây những tác động xấu đến cuộc sống của nhân loại. BĐKH được thể hiện ở sự nóng lên của trái đất sẽ dẫn đến các vấn đề như tan băng ở các cực, nước biển dâng, các quy luật về khí tượng bị phá vỡ… Nhiệt độ gia tăng sẽ tác động đến chu kỳ thủy văn một cách trực tiếp thông qua việc gia tăng lượng bốc hơi nước mặt và qua thảm thực vật. Điều này, sẽ ảnh hưởng tới số lượng, thời gian và cường độ mưa; gián tiếp tác động tới tổng lượng dòng chảy và khả năng chứa nước của các tầng chứa nước. Ngoài ra, còn làm xuất hiện các ảnh hưởng có liên quan khác như: xâm nhập mặn, phá hoại chất lượng nước, thiếu nước… BĐKH tác động trực tiếp đến tài nguyên nước mặt thông qua sự thay đổi lâu dài của các biến khí hậu như nhiệt độ, lượng mưa và lượng bốc hơi. Mối quan hệ giữa BĐKH đối với tài nguyên nước dưới đất phức tạp hơn và chưa được hiểu biết một cách sâu sắc. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, mối quan tâm lớn nhất của các nhà quản lý và ra quyết định là sự suy giảm số lượng và chất lượng cung cấp nước dưới đất. Bởi nước dưới đất đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với ĐBSCL, 34% dân số đô thị và gần 65% dân số nông thôn phụ thuộc vào nguồn nước dưới đất. Đặc biệt tại một số tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc trăng, Trà Vinh, Long An, Kiên Giang, An Giang, nước dưới đất là nguồn cung cấp nước duy nhất cho các mục tiêu ăn uống, sinh hoạt và công nghiệp. Tác động của BĐKH tới nước dưới đất sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của nhân dân, đặc biệt là nhân dân ở các vùng nông thôn. Các tầng chứa NDĐ được bổ cập chủ yếu bởi nước mưa và thông qua mối tương tác với các khối nước mặt như sông hồ. Sự thay đổi lượng mưa làm cho các giai đoạn mực nước dưới đất dâng cao hoặc hạ thấp, xâm nhập mặn vào các tầng chứa nước ven biển kéo dài và thường xuyên hơn. Tác động trực tiếp của BĐKH tới TNNDĐ còn phụ thuộc vào sự thay đổi về số lượng và sự phân bố của lượng bổ cập. Vì vậy, đánh giá các tác động của BĐKH tới TNNDĐ đòi hỏi không chỉ sự dự báo tin cậy những thay đổi của các biến khí hậu mà còn đòi hỏi đánh giá chính xác lượng bổ cập. Đánh giá các tác động của BĐKH tới TNNDĐ, từ đó đề ra các giải pháp ứng phó là một nhiệm vụ cấp bách và có hiệu quả trực tiếp tới đời sống của nhân dân ĐBSCL, đó chính là lý do cần phải xây dựng và thực hiện dự án “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước dưới đất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đề xuất giải pháp ứng phó”. Dự án thực hiện trong phạm vi 39.700km­­­­­­2, bao gồm phần đất liền của 13 tỉnh thành phố: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang và TP. Cần Thơ; thời gian thực hiện Dự án trong 03 năm (từ năm 2011 đến năm 2013).

A T 27-11-2013

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm đánh giá, Dự án đã cơ bản thiết kế các nội dung công việc phù hợp với mục tiêu đề ra, kế thừa và tổng hợp các kết quả nghiên cứu trước đây, sử dụng các công cụ mô hình để định lượng các tác động của BĐKH tới TNNDĐ. Trên cơ sở kết quả tổng hợp dựa trên các thành tựu mới nhất trong nghiên cứu ĐCTV và BĐKH, Dự án đã tiến hành đánh giá tổng quan TNNDĐ (về trữ lượng, chất lượng và các diễn biến), xây dựng các kịch bản BĐKH thích hợp nhất cho vùng ĐBSCL. Sau thời gian thực hiện, bước đầu Dự án đã tạo ra được hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội. Dự án tạo ra được một nguồn cơ sở số liệu tin cậy về hệ thống các tầng chứa nước, số lượng và chất lượng nguồn nước dưới đất, động thái mực nước dưới đất, diễn biến thay đổi về số lượng và chất lượng nước dưới đất trong điều kiện hiện nay và dưới tác động của BĐKH. Các số liệu này được thống kê, phân tích và tổng hợp theo các tiêu chuẩn của ngành nước, giúp tiết kiệm kinh phí cho các ngành, địa phương khi tiến hành các dự án khác về đánh giá tác động của BĐKH tới TNNDĐ. Đồng thời, nguồn số liệu này phục vụ trực tiếp việc quy hoạch khai thác hiệu quả và bền vững TNNDĐ, lường trước được các nguy cơ thiếu hụt nguồn nước dưới đất có thể xảy ra để tìm các giải pháp bảo đảm ưu tiên sử dụng nguồn nước dưới đất cho các mục đích có thứ tự ưu tiên lớn nhất, chuẩn bị các nguồn nước khác khi nguồn nước dưới đất không có khả năng đáp ứng. Các hành động ứng phó với BĐKH trong kết quả của Dự án là các tiền đề để các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và tích hợp trong các chương trình, chính sách phát triển của Bộ, ngành, địa phương; tiết kiệm ngân sách khắc phục hậu quả do tác động của các kịch bản BĐKH gây ra. Những kết quả bước đầu của Dự án góp phần phát triển, bảo vệ, duy trì nguồn nước dưới đất, là nguồn nước phục vụ cấp nước cho ăn uống quan trọng nhất ở ĐBSCL, bảo đảm cho người dân trong vùng dự án. Thông qua Dự án, các chuyên gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Sở Tài nguyên và Môi trường của các tỉnh thuộc vùng nghiên cứu có thêm kinh nghiệm về việc đánh giá tác động của BĐKH, nước biển dâng đối với TNNDĐ và các biện pháp giảm thiểu. Đánh giá tác động của BĐKH tới TNNDĐ là một công việc mới, phức tạp, do đó để kết quả Dự án có tính thực tiễn cao, nhóm tác giả cần tiếp tục tiếp thu ý kiến đóng góp của các ban ngành, địa phương, đặc biệt là sự đóng góp của các nhà khoa học để Dự án hoàn thiện hơn nữa, phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBSCL – một vùng kinh tế quan trọng của đất nước.

Toan canh 27-11-2013

(Hồng Nhung – NAWAPI)