Sáng ngày 24/6, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về Quy hoạch tổng hợp Lưu vực sông Hồng – Thái Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tống Ngọc Thanh cho biết, thực hiện Chương trình công tác của Bộ TN&MT trong năm 2022, Trung tâm được Bộ giao triển khai lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng – Thái Bình để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 10/2022.
Trong thời gian qua, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành công tác thu thập tài liệu, số liệu về chất lượng nước, đa dạng sinh học và hệ sinh thái thủy sinh.
Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Cùng với đó, Trung tâm đã phối họp với Cục Viễn thám quốc gia để rà soát nội dung, công việc phù hợp với yêu cầu quy hoạch để trình Bộ TN&MT điều chỉnh quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng – Thái Bình; tiếp tục phối hợp thực hiện các nội dung theo Nhiệm vụ quy hoạch điều chỉnh để xây dựng các nội dung và hoàn thiện quy hoạch. Trung tâm đã trao đổi và cung cấp các tài liệu, số liệu của quy hoạch để Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thực hiện xây dựng báo cáo Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC); tiếp tục phối hợp triển khai trong quá trình thực hiện đảm bảo quy định về trình tự, thủ tục nêu tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Đồng thời, Trung tâm đã tổ chức Hội thảo kỹ thuật để lấy ý kiến góp ý cho các kết quả tính toán tài nguyên nước, công tác xây dựng mô hình, các nội dung chính dự kiến sẽ thể hiện trong hồ sơ, sản phẩm quy hoạch …
Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tống Ngọc Thanh phát biểu tại cuộc họp
Ông Tống Ngọc Thanh cũng cho biết, hiện nay, Trung tâm đã hoàn thành công tác xây dựng các mô tính toán tài nguyên nước, gồm: thủy văn Mike Nam; thủy lực 1 chiều Mike Hydroriver; nước dưới đất Feeflow; mô hình cần bằng nước Mike Hydrobasin và hoàn thành công tác xây dựng các mô tính toán tài nguyên nước tính toán 5 tiểu lưu vực sông gồm Đà, Thao, Lô – Gâm, Cầu – Thương và vùng đồng bằng sông Hồng và 93 vùng tính toán theo các tần suất 50%, 85%, 95%; đánh giá hiện trạng chất lượng nước trên các sông chính, sông quan trọng, sông có nhiều hoạt động khai thác, sử dụng nước và tiếp nhận nước thải; đánh giá biến động nguồn nước trong kỳ quy hoạch theo Kịch bản biến đổi khí hậu năm 2020.
Đối với nước dưới đất, đã hoàn thành đánh giá trữ lượng có thể khai thác của các tầng chứa nước trên toàn lưu vực, 05 vùng quy hoạch gồm, lưu vực sông (LVS) Đà, LVS Thao, LVS Lô – Gâm, LVS Cầu – Thương và vùng đồng bằng sông Hồng, trên đơn vị hành chính đến cấp huyện của 25 tỉnh/thành phố, và 93 vùng tính toán; hiện trạng chất lượng các tầng chứa nước, diễn biến và xu thế biến động mực nước các tầng chứa chính nước bằng phương pháp mô hình dòng chảy; đánh giá hiện trạng, khai thác, sử dụng nước và dự báo nhu cầu nước; xây dựng các kịch bản tính toán phục vụ lập quy hoạch; xây dựng hồ sơ, sản phẩm và kết quả của quy hoạch.
Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh phát biểu tại cuộc họp
Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức Hội thảo “Định hướng quản lý, khai thác, sử dụng phát triển bền vững tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình” dự kiến ngày 29/6/2022; phối hợp với các đơn vị triển khai công tác đánh tác động môi trường chiến lược, xây dựng và hoàn thiện các hồ sơ, sản phẩm chính của Quy hoạch như báo Báo cáo tổng hợp, Bản đồ quy hoạch; dự thảo Tờ trình, Quyết định phê duyệt quy hoạch;…
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các đơn vị tham dự đã đóng góp ý kiến, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng hợp Lưu vực sông Hồng – Thái Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Toàn cảnh cuộc họp
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia tiếp tục khẩn trương thực hiện các hạng mục, nội dung nhiệm vụ để sớm hoàn thiện xây dựng Quy hoạch góp phần đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục đóng góp ý kiến về các nội dung của quy hoạch và gửi Trung tâm để tổng hợp.
Thứ trưởng nhấn mạnh, Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng – Thái Bình là quy hoạch đặc thù, khác hẳn lưu vực sông khác. Vì vậy, Trung tâm cần tập trung thu thập, phân tích, tính toán kĩ nhu cầu sử dụng nước đặc biệt là nhu cầu sử dụng nước của các ngành trên lưu vực. Nhất là cần nghiên cứu xây dựng công cụ chồng chập quy hoạch để xây dựng mô hình sử dựng nước.