Sáng 10/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với Cục Quản lý tài nguyên nước và Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia để nghe báo cáo về công tác lập quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, trong tháng 12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1748/QĐ-TTg. Trên cơ sở này, tháng 6/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt chi tiết nội dung, dự toán dự án “Lập quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” tại Quyết định số 1234/QĐ-BTNMT.

Thực hiện nhiệm vụ được giao nêu trên, Cục Quản lý tài nguyên nước đã phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ, các chuyên gia và đặc biệt được sự hỗ trợ của Tổ chức cộng tác vì nước của Australia tài trợ đã hoàn thành Dự thảo lần 1 “Lập quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Tiếp đó, Bộ đã tổ chức Hội đồng thẩm định cấp Bộ, trên cơ sở kết luận của Chủ tịch Hội đồng, Cục đã tổ chức, nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện Dự thảo 2.
Cục đã trình Bộ ban hành văn bản gửi 85 đơn vị, trong đó, 20 đơn vị là Bộ, cơ quan ngang Bộ; 63 địa phương và 2 đơn vị khác là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đến nay, Cục đã nhận được 50 ý kiến, trong đó, có 10 Bộ, ngành và 40 địa phương. Cục cũng đã liên hệ với 13 Bộ, ngành còn lại để lấy ý kiến góp ý.
Hiện nay, Cục đang tổng hợp các ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, Cục đã chủ động hoàn thành Hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ thành lập và tổ chức họp Hội đồng cấp Quốc gia, thành phần hồ sơ gồm: Tờ trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng; Dự thảo Công văn gửi các Bộ, ngành cử thành viên tham gia Hội đồng thẩm định; Hồ sơ quy hoạch.
Cục trưởng Châu Trần Vĩnh cũng cho biết, trong quá trình hoàn thiện dự thảo, Cục cũng đã bổ sung một số nội dung để thể hiện được quy hoạch tài nguyên nước là định hướng tổng thể ở vùng, lưu vực sông để quy hoạch vùng, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông cụ thể hóa, đảm bảo theo đúng trình tự của Luật Quy hoạch; bổ sung các nội dung để kết nối giữa các thông tin số liệu về hiện trạng khai thác sử dụng, tài nguyên nước, nhu cầu sử dụng nước trong kỳ quy hoạch, các vấn đề tài nguyên nước trên các vùng, các lưu vực sông để đề xuất các định hướng cấp quốc gia, định hướng tổng thể cho các vùng, các lưu vực sông làm căn cứ cho việc triển khai lập quy hoạch vùng, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông. Đồng thời, xác định mối quan hệ giữa Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia để đưa ra lộ trình thực hiện quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông, kiểm kê tài nguyên nước quốc gia…
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị tham dự đã đưa ra những ý kiến góp ý nhằm thống nhất về nội dung xây dựng dự thảo. Theo ông Tống Ngọc Thanh, Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, phạm vi của Quy hoạch cần được bao phủ toàn bộ diện tích của lãnh thổ Việt Nam, các vùng quy hoạch được chia chi tiết, tránh để sót những lỗ hổng lưu vực, để đảm bảo quy hoạch tài nguyên nước quốc gia phát huy hiệu quả cao nhất.

Phát biểu chủ trì tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa Cục Quản lý tài nguyên nước và các đơn vị có liên quan trong công tác xây dựng quy hoạch tài nguyên nước. Thứ trưởng cho rằng, quy hoạch tài nguyên nước chính là công cụ để đảm bảo an ninh nguồn nước. Công tác xây dựng quy hoạch tài nguyên nước phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tính liên kết tổng thể trên phạm vi từng vùng, từng lưu vực sông; phải liên kết với các ngành sử dụng nước khác nhau để phát triển bền vững, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tổng hợp và đa mục tiêu.

Thứ trưởng đề nghị, Cục Quản lý tài nguyên nước và các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, bổ sung, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ trình lãnh đạo Bộ để trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định cấp Quốc gia và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.