55 NĂM NGÀNH ĐỊA CHẤT THỦY VĂN, DẤU ẤN MỘT CHẶNG ĐƯỜNG

LTS. Nước rất cần cho sự sống và phát triển kinh tế. Nước dưới đất, do có những ưu việt nên thường được ưu tiên cho ăn uống sinh hoạt của con người, cho các ngành sản xuất công nghiệp thực phẩm, dược phẩm và công nghiệp công nghệ cao. Địa chất thủy văn là một lĩnh vực khoa học về Trái Đất chuyên nghiên cứu về nước dưới đất. Ngành địa chất thủy văn ở nước ta đã được hình thành cách đây 55 năm và liên tục phát triển đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Con người biết sử dụng nước dưới đất từ lâu bằng các hình thức như thu gom các mạch lộ, đào giếng…mà không cần bất cứ việc điều tra, đánh giá hay nghiên cứu nào. Khi xã hội phát triển, nhu cầu nâng cao cần phải thác thác nước dưới đất với lưu lượng lớn, việc điều tra, đánh giá và nghiên cứu mới cần thiết. Phải có lực lượng mạnh mẽ, tổ chức phù hợp với các trang thiết bị hiện đại mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. 55 năm qua, ngành địa chất thủy văn (ĐCTV) được hình thành và liên tục phát triển.

Tổ chức và lực lượng.

Tổ chức đầu tiên của ngành ĐCTV  là Đoàn Địa chất 37 trực thuộc Tổng cục Địa chất được thành lập năm 1962 thực hiện tìm kiếm, thăm dò nước dưới đất vùng Đông Bắc. Sau đó các Đoàn Địa chất 47 năm 1967, 54 năm 1978, 64 năm 1974…lần lượt ra đời cũng để thực hiện công tác tìm kiếm, thăm dò nước dưới đất, Đoàn 63 thành lập năm 1973 làm công tác đo vẽ lập bản đồ địa chất thủy văn. Tháng 3 năm 1974, Liên đoàn 2 Địa chất thủy văn được thành lập để tập hợp các Đoàn địa chất làm công tác địa chất thủy văn về 1 mối và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trên lãnh thổ miền Bắc, nay được đổi tên thành Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc.

DL881

Năm 1976, sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, Tổng cục Địa chất thành lập Liên đoàn ĐCTV miền Nam, nay là Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung, mà lực lượng nòng cốt là một bộ phận của Liên đoàn 2 chuyển vào để thực hiện các nhiệm vụ địa chất thủy văn ở miền Nam. Năm 1982, do tầm quan trọng của Đồng bằng sông Cửu Long, Tổng cục Địa chất thành lập Liên đoàn 8 ĐCTV, nay là Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam, trong đó một lực lượng cũng được lấy từ Liên đoàn 2 chuyển vào để thực hiện các nhiệm vụ về địa chất thủy văn ở đồng bằng Nam Bộ. Năm 2008, để phù hợp với luật tài nguyên nước, Chính phủ có nghị định số 25-CP/2008 cho thành lập Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước, nay là Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia với lực lượng nòng cốt là 3 Liên đoàn ĐCTV.

Nguồn đào tạo cán bộ cho các liên đoàn chủ yếu là Trường Đại học Mỏ Địa chất với nòng cốt là Bộ môn Địa chất thủy văn hình thành năm 1967, từ đó đến nay đã đào tạo, cung cấp hàng nghìn kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ có cho ngành ĐCTV.

55 năm xây dựng và phát triển, ngành ĐCTV đã đạt được các thành tựu rất to lớn.

Các thành tựu

Từ khi thành lập đến nay, ngành ĐCTV đã thực hiện hàng loạt các công trình về các lĩnh vực chủ yếu:

– Đo vẽ lập bản đồ ĐCTV

– Tìm kiếm thăm dò và điều tra đánh giá nước dưới đất

– Quan trắc động thái nước dưới đất

Đo vẽ lập bản ĐCTV được thực hiện ở các tỷ lệ khác nhau. Đã hoàn thành đo vẽ lập bản đồ ĐCTV tỷ lệ 1: 500.000 trên phạm vi toàn quốc, xuất bản năm 1983. Đo vẽ lập bản đồ ĐCTV tỷ lệ 1: 200.000 cũng hoàn thành 100% diện tích cả nước, nay đang được biên hội và thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất để xuất bản cho 63 tỉnh thành vào năm tới. Đo vẽ lập bản đồ ĐCTV tỷ lệ 1: 50.000 thực hiện ở 34 vùng kinh tế trọng điểm với tổng diện tích 46.000 km2, đạt 14% diện tích cả nước. 

Kết quả công tác đo vẽ lập bản đồ địa chất thủy văn đã phân chia và đánh giá khai quát được đặc điểm phân bố và tồn tại, mức độ giầu nươc, chất lượng nước… của các đơn vị chứa nước làm cơ sở để quy hoạch phát triển nền kinh tế quốc dân và điều tra đánh giá tài nguyên nước dưới đất tiếp theo.

Tìm kiếm, thăm dò và điều tra, đánh giá nước dưới đất 

Công tác tìm kiếm và thăm dò nước dưới đất được thực hiện ở thời kỳ trước 1995. Đã hoàn thành tìm kiếm nước dưới đất ở 92 vùng  với tổng diện tích 45.000 km2, kết quả đánh giá trữ lượng xếp cấp B đạt 104.428 m3/ng, xếp cấp C1 đạt 1.186.991 m3/ng. Công tác thăm dò nước dưới đất đã thực hiện ở 46 vùng với tổng diện tích 7.000 km2 thuộc 21 tỉnh thành, kết quả đánh giá trữ lượng đạt 922.787 m3/ng xếp cấp A, 1.043.892 m3/ng xếp cấp B, 1.359.301 m3/ng xếp cấp C1. Trên cơ sở tìm kiếm, thăm dò nước dưới đất đã xây dựng hàng loạt nhà máy khai thác phục vụ dân sinh. 

Công tác điều tra, đánh giá nguồn nước dưới đất bắt đầu được thực hiện từ khoảng 1995 đến nay đã hoàn thành ở 51 vùng với tổng diện tích trên 6.000 km2, trong đó có nhiều vùng núi cao, vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa ở khắp mọi miền của đất nước. Kết quả đã  đánh giá được trữ lượng xếp cấp A là 7.400 m3/ng, cấp B là 23.374m3/ng và cấp C1 là 205.867m3/ng. Các dự án lớn (dự án Chính Phủ) cũng đã được triển khai như: “ Điều tra, đánh giá nước dưới đất khu vực miền núi và trung du Bắc Bộ”,  “Điều tra, tìm nguồn nước dưới đất tại các vùng cao, vùng khan hiếm nước” …

Quan trắc tài nguyên nước dưới đất

Mạng lưới quan trắc nước dưới đất ở nước ta được bắt đầu xây dựng từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước trên ba vùng kinh tế trọng điểm là Đồng bằng Bắc Bộ, Đồng bằng Nam Bộ và Tây Nguyên, đến nay đã có thời gian quan trắc được trên 20 năm liên tục. Các vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ nay đang triển khai xây dựng mạng  lưới quan trắc. Tổng số đã xây dựng được  44 trạm với  364  điểm gồm 697  công trình quan trắc, trong đó có 40  công trình quan trắc nước mặt và  657 công trình quan trắc nước dưới đất

Các yếu tố quan trắc gồm mực nước, lưu lượng, nhiệt độ, chất lượng nước. Công nghệ quan trắc ban đầu là thủ công sau chuyển sang bán tự động. Hiện nay nhiều công trình đã được tự động hóa. Kết quả đã tổng hợp, xử lý tạo được cơ sơ dữ liệu về tài nguyên nước dưới đất; phân tích, xác định diễn biến tài nguyên nước, dự báo xu thế biến đổi tài nguyên nước dưới đất theo chu kỳ ngắn, dài hạn và đưa ra các cảnh báo về sự biến đổi tài nguyên nước dưới đất.

DL89

Việc nước xưa nay có bại thành

Gian nan vất vả vẫn nhiệt tình

Có bại mới thành không được nản

Lo sao có nước quên cả mình!

Lời kết. Hiện nay Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia đang tiếp tục thực hiện các dự án lớn về nước dưới đất như điều tra, đánh giá nước dưới đất vùng cao vùng khan hiếm nước, bảo vệ và phát triển nước dưới đất ở các vùng hạn hán, vùng bị suy thoái hoặc có nguy cơ bị suy thoái do ảnh hưởng của môi trường, của biến đổi khí hậu.

Người viết bài này rất tự hào vì cũng góp được một phần nhỏ bé vào sự phát triển của ngành ĐCTV, kính đề nghị Nhà nước có các chế độ chính sách đãi ngộ thích đáng để thu hút nhân tài vào nghề nghiệp gian khổ này, mặt khác đề nghị với Bộ nghiên cứu  xây dựng hoàn thiện, nhất thể hóa cơ cấu tổ chức cho Ngành tài nguyên nước, đầu tư thích đáng xây dựng cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị ngang tầm với khu vực đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ điều tra, đánh giá và quy hoạch tài nguyên nước phục vụ đắc lực cho công cuộc CNH-HĐH  của đất nước./.

(PGS.TS. Nguyễn Văn Đản)