Nhật báo Le Monde của Pháp dẫn báo cáo của Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), cho biết khoảng một nửa dân số thế giới phải chứng kiến tình trạng căng thẳng về nước ở mức độ “cao” trong ít nhất một tháng mỗi năm. Tình trạng thiếu nước dự kiến sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Thế giới vừa trải qua tháng Bảy nóng nhất từng được ghi nhận. Nhưng một chỉ số quan trọng khác của biến đổi khí hậu cũng đang trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý, đó là nước. Theo các nhà nghiên cứu, chu trình tự nhiên của nước đang thay đổi, gây ra mưa lớn và hạn hán cực kỳ nghiêm trọng.
Tài nguyên nước đang ngày càng khan hiếm hơn trong bối cảnh con người và hầu hết sinh vật sống trong tự nhiên đều cần nước hơn khi các đợt nắng nóng tấn công. WRI ngày 16/8 công bố một bản đồ thể hiện tình trạng thiếu nước hiện tại và trong tương lai. Đây là kết quả hợp tác với Aqueduct – một chương trình được hỗ trợ bởi liên minh của các trung tâm nghiên cứu, trường đại học, chính phủ và các doanh nghiệp.
Tình hình nguy cấp ở Nam Á
Theo báo cáo này, khoảng 4 tỷ người – gần một nửa dân số thế giới – đã phải đối mặt với tình trạng căng thẳng “cao” về nước trong ít nhất một tháng mỗi năm. Theo phân tích của WRI và Aqueduct, dựa trên bộ số liệu từ năm 1979 đến 2019, tỷ lệ dân số bị ảnh hưởng có thể sẽ tăng lên gần 60% vào năm 2050.
Căng thẳng “cao” có nghĩa là ít nhất 60% tài nguyên nước có sẵn đã được sử dụng, dẫn đến sự cạnh tranh cục bộ giữa những người dùng khác nhau. Tình trạng thiếu nước được cho là sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu không có một chính sách nghiêm túc để dự đoán và đối phó với các tình huống khó khăn hoặc nguy cơ có thể xảy ra trong tương lai.
Người dân xếp hàng chờ lấy nước sinh hoạt trong thời tiết mùa hè nắng nóng ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 18/5/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Hiện tại, có 25 quốc gia đang phải đối mặt với mức “căng thẳng cao cực độ” về tài nguyên nước. Điều này có nghĩa là sự mất cân đối giữa việc sử dụng nước và các nguồn nước dự trữ của họ đã lên tới ít nhất 80%. Bahrain (Ba-ranh), CH Cyprus (Síp), Kuwait (Cô-oét), Liban (Li-băng) và Oman (Ô-man) là những nước phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng nhất.
Nam Á có hơn 74% dân số phải sống trong cảnh thiếu nước nghiêm trọng. Nhưng khu vực này vẫn còn đứng sau Trung Đông và Bắc Phi, nơi có đến 83% dân số bị ảnh hưởng.
Cắt nước tự nguyện
Dự kiến, sẽ có thêm 1 tỷ người sống trong điều kiện căng thẳng về nước với mức độ “cực kỳ cao” vào giữa thế kỷ này. Điều này có thể xảy ra ngay cả khi – theo một kịch bản lạc quan – mức tăng nhiệt độ trung bình được giới hạn trong khoảng từ 1,3°C đến 2,4°C.
Vậy làm thế nào để đối phó với các giai đoạn hạn hán tăng cường khi tình hình hiện nay cũng đã quá căng thẳng? Theo WRI, nhiều chính quyền đã áp dụng cắt nước tại một số địa phương. Cụ thể là Ấn Độ, Mexico, Iran, Nam Phi… đã áp dụng chính sách này. Thành phố Cape Town của Nam Phi đã sống trong nhiều tháng dưới sự đe dọa của những ngày “không có một giọt nước nào trong đường ống”.
Không chỉ châu Phi hay Nam Á, nhiều nước tiên tiến cũng trải qua cảnh thiếu nước cục bộ, những tình huống mà chẳng ai có thể nghĩ đến. Tháng Sáu vừa qua, do tình trạng căng thẳng về nước, một số trường học ở vùng Sussex, miền Nam nước Anh, đã bị cắt nước khi nhu cầu vượt quá nguồn cung sẵn có trong thời tiết nắng nóng của tháng đó.
Tại Pháp, hơn 700 đô thị phải dùng xe bồn và cung cấp nước đóng chai để người dân sử dụng trong suốt mùa Hè năm 2022. Ở hải ngoại, người dân Guadeloupe, thuộc Pháp phải thường xuyên tuân thủ lịch phân phối nước định kỳ.
Trên phạm vi toàn cầu, nhu cầu sử dụng nước đã và đang không ngừng gia tăng. Nhu cầu đã tăng gấp đôi kể từ năm 1960, do sự bùng nổ của nông nghiệp tưới tiêu, nhu cầu ngày càng cao về sản xuất năng lượng, các ngành công nghiệp, và sự tăng trưởng của dân số.
Mực nước tại đập Malpaso xuống mức thấp do hạn hán và nắng nóng ở Nuevo Quechula, Chiapas, Mexico, ngày 16/6/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Thậm chí, tốc độ gia tăng nhu cầu nước còn nhanh hơn tốc độ tăng dân số toàn cầu. Hiện tượng này được đặc biệt nhận thấy rõ ở các quốc gia đang phát triển. Trong khi nhu cầu nước đang chững lại ở Bắc Mỹ, Trung Á và châu Âu, thì mức tiêu thụ nước lại tăng vọt ở châu Phi phía Nam Sahara. Khu vực này có thể sẽ chứng kiến nhu cầu nước tăng 163% vào năm 2050, chủ yếu do sự mở rộng của nông nghiệp tưới tiêu, phần lớn để phục vụ xuất khẩu.
Nguy cơ khai thác quá mức nguồn tài nguyên nước
Bản đồ dự báo phân bổ nước của WRI cũng nhấn mạnh nguy cơ đối với an ninh lương thực: 60% các cây trồng cần tưới tiêu đang bị đe dọa bởi tình trạng căng thẳng nước “cực kỳ cao”. Mía, lúa mỳ, gạo và ngô bị ảnh hưởng đặc biệt.
Ngành công nghiệp khai khoáng cũng phụ thuộc nhiều vào nguồn nước. Chile (Chi-lê), nhà sản xuất lithium lớn thứ hai thế giới – một kim loại được coi là quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng – thông báo rằng họ muốn tăng mức tiêu thụ nước lên 20 lần vào năm 2050.
Nhu cầu tăng cao sẽ khiến trữ lượng trên bề mặt và trữ lượng chứa trong các tầng chứa nước bị khai thác quá mức trong những năm tới, sự suy giảm của chúng sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng môi trường.
Bà Samantha Kuzma, chuyên gia quản lý dữ liệu và định vị địa lý cho chương trình Aqueduct và WRI, cho biết hội nghị của Liên hợp quốc về khủng hoảng nước toàn cầu diễn ra tại New York vào tháng 3/2023 có 800 cam kết. Nhưng điều cần thiết bây giờ là nguồn kinh phí và hành động.
Các tác giả của báo cáo đảm bảo rằng việc hạn chế tác động của cuộc khủng hoảng nước sẽ không tốn nhiều chi phí, với điều kiện là việc quản lý nước phải được cải thiện. Họ ước tính ngân sách cần thiết vào khoảng 1% GDP toàn cầu để khắc phục tình trạng thiếu đầu tư thường xuyên vào cơ sở hạ tầng, thay đổi mô hình tưới tiêu, tập trung phát triển các giải pháp dựa vào thiên nhiên (ví dụ như bảo vệ rừng ngập mặn và đất ngập nước), sử dụng nước thải đã qua xử lý… và giảm phát thải khí nhà kính. Dù biến đổi khí hậu không phải là nguyên nhân duy nhất gây khó khăn về cung cấp nước trên toàn cầu, nhưng đây vẫn là nguyên nhân chính.
Nguồn: https://vnanet.vn/