VỀ KHẢ NĂNG TỒN TẠI CÁC NGUỒN NƯỚC DƯỚI ĐẤT Ở VÙNG THỀM LỤC ĐỊA NƯỚC TA

  1. KHÁI QUÁT VỀ CÁC NGUỒN NƯỚC DƯỚI ĐẤT VÙNG VEN BIỂN

Vùng ven biển nước ta, trừ một vài nơi là đồi núi cấu tạo bởi các đá cổ bị cố kết còn lại là các đồng bằng, theo chiều từ Bắc vào Nam có Đồng bằng Bắc Bộ, Đồng bằng Thanh Hoá, Đồng bằng Nghệ An – Hà Tĩnh,  Đồng bằng Quảng Bình, Đồng bằng Thừa Thiên-Huế, các Đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ, Đồng bằng Nam Bộ.

Các đồng bằng ven biển ở Việt Nam được cấu tạo bởi các trầm tích bở rời Kainozoi, mà sự phân nhịp của chúng đã phân chia mặt cắt ra các tầng chứa nước lỗ hổng từ trên xuống dưới như sau:

Tầng chứa nước các trầm tích Holocen (qh);

Tầng chứa nước các trầm tích Pleistocen giữa – trên (qp2);

Tầng chứa nước các trầm tích Pleistocen dưới (qp1);

Tầng chứa nước các trầm tích Pliocen (n2);

Tầng chứa nước các trầm tích Miocen (n1);

Theo các nhà nghiên cứu [1,3,4,6], Đồng bằng Bắc Bộ và Nam bộ là có đầy đủ các tầng chứa nước hơn cả (Hình 1). Sự tồn tại các tầng chứa nước ở các đồng bằng châu thổ thể hiện ở Bảng 1.

Bảng 1. Sự phân bố của các tầng chứa nước lỗ hổng ở các đồng bằng ven biển Việt Nam

STT Vùng đồng bằng Các tầng chứa nước
qh qp2 qp1 n2 n1
1 Bắc Bộ x x x x
2 Bắc Trung Bộ x x x x
3 Trung Trung Bộ x x x x
4 Nam Trung Bộ x x x x
5 Nam Bộ x x x x x

Hình 1. Sơ đồ cấu trúc địa chất thuỷ văn Đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ

Tiềm năng nước dưới đất (NDĐ) được thể hiện bằng trữ lượng tiềm năng và trữ lượng khai thác. Trên cơ sở mức độ nghiên cứu, Triệu Đức Huy [5] đã tổng hợp xác định có kết quả thống kê ở Bảng 2.

Bảng 2. Tiềm năng nước dưới đất vùng ven biển, 103 m3/ngày

STT Vùng ven biển Trữ lượng khai thác xếp cấp Trữ lượng tiềm năng
Cấp A+B Cấp C1
1 Đông Bắc Bộ 39,6 22,8 619,2
2 Đông bằng Bắc Bộ 45,7 976,6
3 Bắc Trung Bộ 1,2 24,4 4180,5
4 Nam Trung Bộ 177,7 4297 5200,7
5 Đồng bằng Nam Bộ 154,2 462,3 5766,4
Cộng 372,7 4853,2 16734,2

Kết quả nghiên cứu trên đây cho thấy tiềm năng nước dưới đất ở vùng ven biển nhìn chung không phong phú lắm nhưng lại vô cùng quý giá phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng.

  1. ĐỘ TỔNG KHOÁNG HÓA, THÀNH PHẦN HÓA HỌC VÀ TÍNH PHÂN ĐỚI THUỶ ĐỊA HOÁ

Độ tổng khoáng hóa và thành phần hóa tầng chứa nước không áp Holocen

Tầng chứa nước Holocen vùng ven biển thường gặp là các dải cát, đụn cát liên quan đến hoạt động của biển, gió, sông, hình thành trong Holocen. NDĐ không có áp, nguồn cung cấp chủ yếu là nước mưa. Theo diện tích, độ tổng khoáng hóa của nước phụ thuộc vào mức độ trao đổi nước. Vùng có địa hình cao, tính thấm của đất đá  lớn, sự trao đổi nước mạnh, thì độ tổng khoáng hóa của NDĐ nhỏ, tương đương với nước mưa với thành phần clorua bicacbonat-natri rất đặc trưng cho thành phần nước mưa vùng ven biển. Ở các vùng có địa hình thấp, đất đá chứa nước có thành phần phức tạp, độ tổng khoáng hóa của NDĐ sẽ cao hơn và thành phần phức tạp hơn. Theo chiều tăng của độ tổng khoáng hóa đến 1g/l và lớn hơn thì nước chuyển sang thành phần clorua natri, tức là tương tự thành phần của nước biển.

Nước trong các đụn cát, dải cát ven biển có thể khai thác cung cấp cho sinh hoạt, thậm chí tưới rau màu, cây công nghiệp như ở vùng Sầm Sơn, Vinh – Cửa Lò, Đồng Hới, Ninh Thuận, Bình Thuận … Ở đây cần khai thác với lưu lượng không lớn với chế độ hợp lý được tính toán kỹ lưỡng để không lôi kéo nước mặn về phía công trình khai thác.

Độ tổng khoáng hóa và thành phần hóa học các tầng chứa nước có áp lực

Các tầng chứa nước có áp gồm các tầng chứa nước Pleistocen, Pliocen, Miocen và các tầng chứa nước trong các đá cố kết nằm lót đáy các trầm tích Kainozoi bở rời.

Độ tổng khoáng hoá và thành phần hóa học của các tầng chứa nước áp lực rất phức tạp phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác nhau như điều kiện cổ địa lý, khả năng trao đổi nước và nguồn cung cấp cho các tầng chứa nước …

Ở đồng bằng Nam Bộ, các tầng chứa nước Đệ tứ và Neogen phân bố rộng rãi nhưng nhiều nơi bị mặn hoặc nước nhạt và nước mặn nằm xen khẽ nhau cả theo diện tích lẫn chiều sâu. Các tầng chứa nước Pleistocen (qp1; qp2) chứa nước nhạt phát hiện thấy ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu. Các tầng chứa nước Neogen (n2; n1) chứa nước nhạt phát hiện thấy ở các tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh, Cà Mau. Ở các đồng bằng ven biển miền Trung, nước nhạt trong các tầng chứa nước có áp Pleistocen, Neogen và các đá cố kết trước Đệ tứ phát hiện thấy ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, một ít Bà Rịa-Vũng Tàu … Ở đồng bằng Bắc Bộ, nước nhạt của các tầng chứa nước có áp Pleistocen và Neogen chỉ quan sát được ở một số vùng của tỉnh Nam Định

Thành phần hoá học của nước tương đối đồng nhất đối vùng nước nhạt là bicacbonat clorua đến clorua bicacbonat-natri canxi, đối với vùng nước mặn là clorua-natri.

Phân đới thuỷ địa hoá

Nguyễn Văn Đản [2] năm 2009 đã tiến hành phân vùng theo đặc điểm phân đới thủy địa hóa cho vùng ven biển nước ta. Do chưa phát hiện nguồn nước có độ tổng khoáng hoá lớn hơn 35 g/kg, ông đã chia thành 4 kiểu mặt cắt thủy địa hóa: I; II; IV; V, trong đó kiểu I được chia thành 2 phụ kiểu (Ia và Ib) phổ biến ở các vùng ven biển như thê hiện ở hình 3, cụ thể như sau

Kiểu I: Toàn bộ mặt cắt là nước nhạt. Kiểu nay được chia thành 2 phụ kiểu. Phụ kiểu Ia, trong đó tầng chứa nước nhạt không dày là phần phong hoá của đá cố kết lộ trên mặt đất hoặc các đá trầm tích bở rời chủ yếu Holocen có chiều dày không lớn phủ lên đá cố kết không chứa nước. Kiêu này phổ biến ở các vùng thuộc tỉnh Quảng Ninh; Nam Thanh Hoá; Bắc Nghệ An; Nam Hà Tĩnh, Quảng Bình và vùng duyên hải từ Quảng Nam đến Bình Thuận. Phụ kiểu Ib, trong đó tầng chứa nhạt tương đối dày bao gồm các tầng chứa nước Holocen, pleistocen, Neogen và các tầng chứa nước khe nứt trong đá cố kết hoặc Karst hoá. Kiểu này phổ biến ở vùng Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh, Triệu Phong tỉnh Quảng Trị, Phú Vang và Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Kiểu II: Phần trên của mặt cắt thường là tầng chứa nước Holocen chứa nước nhạt, phần dưới là các tầng chứa nước Pleistocen, Neogen chứa nước mặn. Kiểu này phố biến ở các vùng của Đồng bằng Bắc Bộ thuộc tỉnh Thái Bình, Bắc Thanh Hoá, Nam Nghệ An, một số nơi thuộc đồng bằng Nam Bộ

Kiểu IV: Toàn bộ mặt cắt gồm các tầng chứa nước Holocen, Pleistocen, Neogen chứa nước mặn. Kiểu này phổ biến ở Hải Phòng thuộc Đồng bằng Bắc Bộ, một ít ở Bà Rịa -Vùng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Mỹ Tho, Bến Tre, phía Tây Bắc Kiên Giang của Đồng bằng Nam Bộ.

Kiểu V: Phần trên của mặt cắt là các tầng chứa nước Holocen chứa nước mặn; phần dưới của mặt cắt gồm các tầng chứa nước Pleistocen, Neogen chứa nước nhạt do có nguồn cung cấp từ xa. Kiểu này phổ biến ở các vùng Hải Hậu và Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định thuộc Đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang thuộc Đồng bằng Nam Bộ.

Các vùng có các kiểu thủy địa hóa I; II; V có ý nghĩa cung cấp nước cho ăn uống sinh hoạt, trong đó phụ kiểu Ib; V có ý nghĩa cung cấp lớn.

  1. VỀ KHẢ NĂNG TỒN TẠI CÁC NGUỒN NƯỚC DƯỚI ĐẤT VÙNG THỀM LỤC ĐỊA

Theo điều 17 Luật biển Việt Nam 2012, thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa như mô phỏng ở sơ đồ hình 2.

Hình 2. Sơ đồ phân bố vùng thềm lục địa

    Các tầng chứa nước vùng ven biển được kéo dài ra vùng thềm lục địa tạo nên các nguồn nước dưới đất, tuy nhiên đại đa số là các nguồn  nước này đều bị mặn.

Hình 3. Sơ đồ phân bố các vùng có khả năng tồn tài nước nhạt

Các vùng có khả năng tồn tại các nguồn nước nhạt có thể liên quan đến các vùng có kiểu thuỷ địa hoá V và Ib như thể hiện ở hình 3, cụ thể như sau:

  • Vùng thềm lục địa thuộc tỉnh Nam Định , có kiểu thuỷ địa hoá V, có thể tồn tại các nguồn nước nhạt ở các tầng chứa nước qp và n;
  • Vùng thềm lục địa thuộc các tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mâu thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, có kiểu thuỷ địa hoá V, có thể tồn tại các nguồn nước nhạt ở các tầng chứa nước qp1, n2 và n1;
  • Vùng thềm lục địa thuộc tỉnh Hà Tĩnh, có kiểu thuỷ địa hoá Ib, có thể tồn tại các nguồn nước nhạt ở các tầng chứa nước qp, n;
  • Vùng thềm lục địa thuộc các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, có kiểu thuỷ địa hoá Ib, có thể tồn tại các nguồn nước nhạt ở các tầng chứa nước qp, n.

Thay lời kết. Một số khu vực thuộc thềm lục địa của nước ta có thể tồn tại các nguồn nước nhạt dưới đất rất có ý nghĩa cung cấp nước khi kinh tế biển phát triển, cần được điều tra đánh giá và  đưa vào đối tượng, phạm vi điều chỉnh của luật tài nguyên nước để quản lý.

Tác giả bài viết: PGS.TS. Nguyễn Văn Đản, Hội Địa chất Thủy văn Việt Nam; ThS. Đào Văn Dũng, Trung tâm Chất lượng và Bảo vệ tài nguyên nước.