Đẩy mạnh quản lý và bảo vệ nguồn nước quốc gia

(ĐCSVN) – Ngày 3/10, tại Hà Nội, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước, Uỷ ban sông Mê Kông, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tổ chức Hội thảo “Quản lý nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia: từ chính sách đến thực tiễn”.

tc_ht-16_19_52_433

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết, nước là yếu tố cơ bản không thể thiếu trong việc duy trì sự sống và mọi hoạt động của con người trên hành tinh. Việc đáp ứng nhu cầu về nước đảm bảo cả về chất lượng và số lượng là một điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững. Nhưng trên thực tế việc bảo đảm cấp nước đáp ứng về chất lượng cho toàn bộ dân số toàn cầu và bảo tồn các hệ sinh thái vẫn là một mục tiêu khó đạt tới. Do biến đổi khí hậu dẫn đến sự thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa, do các đặc điểm về địa hình và sông ngòi…nên hiện nay nhiều nơi trên trái đất đã thường xuyên không có đủ nước để đáp ứng nhu cầu.

Là quốc gia nằm ở hạ lưu các lưu vực sông lớn, nguồn tài nguyên nước ở Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Hơn 2/3 lượng nước trên các hệ thống sông của Việt Nam được hình thành từ ngoài lãnh thổ, phụ thuộc vào các quốc gia láng giềng. Tăng trưởng kinh tế, sức ép dân số và chất lượng cuộc sống liên tục gia tăng trong những thập kỷ qua, dẫn đến tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, đồng thời cũng nảy sinh những mâu thuẫn, tranh chấp giữa các ngành sử dụng nước.

Bởi vậy, Thứ trưởng đề nghị các ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin về tài nguyên nước đến người dân, doanh nghiệp; tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước; đẩy mạnh công tác điều tra, quy hoạch tài nguyên nước; tập trung thanh tra, kiểm tra; xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước. Đồng thời, tập trung xây dựng, triển khai cơ chế, chính sách tài chính về tài nguyên nước nhằm thúc đẩy sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tổ chức thực hiện có chính sách để thực hiện ưu đãi nhằm khuyến khích các hoạt động phát triển khoa học và công nghệ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Theo các chuyên gia, vấn đề nước tại Việt Nam gặp rất nhiều thách thức như cạnh tranh, mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nước gây mất an ninh nguồn nước; biến đổi lòng dẫn trên hệ thống sông; những dự án chuyển nước chưa theo quy hoạch…Những thách thức này đã và đang gây khó khăn trong công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước của Việt Nam. Bởi vậy, cần triển khai quy hoạch tài nguyên nước chung cho cả nước, quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông lớn, liên quốc gia liên vùng và quy hoạch tài nguyên nước của từng địa phương, làm cơ sở giải quyết đồng bộ các vấn đề chia sẻ, bảo vệ các nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia. Đồng thời, rà soát các quy trình đã ban hành đi đôi với kiểm tra, giám sát việc vận hành của các hồ chứa nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đến từ các quốc gia cũng chia sẻ những vấn đề liên quan. Đó là hệ thống hỗ trợ quyết định cho quy hoạch lưu vực sông, nghiên cứu cụ thể cho lưu vực sông Shire (Đan Mạch); “Nước 4.0”- Các cuộc cách mạng kỹ thuật số trong quản lý nước bền vững (Đức); hệ thống quan trắc, cảnh báo tài nguyên nước của Slovakia (Slovakia)… Đồng thời cũng đề cập đến những thuận lợi, khó khăn khi triển khai các dự án liên quan đến vấn đề nước tại Việt Nam.

(Theo dangcongsan.vn)