Sáng ngày 7/9, tại Trụ sở cơ quan Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển đã chủ trì buổi làm việc với Cục Quản lý tài nguyên nước về tình hình triển khai Đề án thành lập Viện Khoa học tài nguyên nước. Tham dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị: Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Cục Quản lý tài nguyên nước, Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia và một số đơn vị liên quan khác trực thuộc Bộ.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, việc thành lập Viện Khoa học tài nguyên nước nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực nghiên cứu phục vụ công tác quản lý, điều tra, quy hoạch, đánh giá, dự báo tài nguyên nước; từng bước nâng cao khả năng cảnh báo, dự báo sớm tác động, sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến số lượng và chất lượng nguồn nước để đề xuất các biện pháp ứng phó, thích nghi, phòng chống tác hại do nước gây ra.
Ông Hoàng Văn Bảy cũng cho biết thêm, thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, 6 viện nghiên cứu khoa học thuộc 6 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ TN&MT như: đất đai; môi trường; địa chất và khoáng sản; biển và hải đảo; đo đạc bản đồ; khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu đã hoạt động rất tích cực và hiệu quả, hỗ trợ đắc lực công tác quản lý nhà nước trong 6 lĩnh vực trên. Đối với lĩnh vực tài nguyên nước, hiện nay chưa có cơ quan nghiên cứu chuyên biệt, mà do nhiều cơ quan, tổ chức thực hiện nên việc nghiên cứu không được tập trung nghiên cứu chuyên sâu. Do đó, việc nghiên cứu về lĩnh vực này phần nào còn hạn chế.
Vì vậy, việc thành lập Viện Khoa học tài nguyên nước sẽ góp phần giải quyết được các hạn chế nêu trên. Bên cạnh đó, khi Viện Khoa học tài nguyên nước được thành lập sẽ hỗ trợ tích cực trong công tác quản lý tài nguyên nước chung của quốc gia; phát triển nhân lực ngành tài nguyên và môi trường gắn liền với phát triển kinh tế – xã hội; đồng thời thúc đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.
Theo ông Hoàng Văn Bẩy, ngoài các đơn vị tổng hợp chung (như Văn phòng; Phòng Kế hoạch – Tài chính; Phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế), Viện Khoa học tài nguyên nước sẽ có các đơn vị chức năng như Phòng thí nghiệm – thực nghiệm; Trung tâm nghiên cứu Thủy lực và Kỹ thuật tài nguyên nước mặt; Trung tâm nghiên cứu nước dưới đất; Trung tâm nghiên cứu Quản lý tổng hợp tài nguyên nước; Trung tâm nghiên cứu Chính sách tài nguyên nước.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các đơn vị đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến cho Đề án thành lập Viện Khoa học tài nguyên nước.
Ông Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho rằng, việc thành lập một Viện nghiên cứu khoa học chuyên biệt về tài nguyên nước là rất cần thiết. Tuy nhiên, quản lý tài nguyên nước là một lĩnh vực tổng hợp, có mối liên quan chặt chẽ với các lĩnh vực liên quan trực tiếp tới tài nguyên nước, do đó, trong chức năng nhiệm vụ của Viện cần có sự kết nối với các ngành khác như thủy điện, giao thông, …
Để bảo đảm tính khả thi trong việc xây dựng và vận hành Viện Khoa học tài nguyên nước, Ông Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho rằng, nên xem xét khả năng dựa trên nền tảng nâng cấp một số đơn vị có sẵn trực thuộc Cục Quản lý tài nguyên nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia hay Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu thì sẽ thuận lợi hơn so với việc thành lập một tổ chức mới về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đặc biệt là việc thu hút nguồn lực cán bộ khoa học am hiểu và có kinh nghiệm nghiên cứu trong lĩnh vực tài nguyên nước. Bên cạnh đó, cần có lộ trình cụ thể đối với việc phát triển nguồn nhân lực và kiện toàn bộ máy tổ chức của Viện.
Đóng góp ý kiến về cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học tài nguyên nước, ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho rằng về cơ sở vật chất và tiềm lực con người, Viện nên lựa chọn quy mô vừa phải, đồng thời, việc thành lập Phòng thí nghiệm – thực nghiệm cần được cân nhắc kĩ lưỡng.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thành lập Viện Khoa học tài nguyên nước nhằm giúp Bộ TN&MT có các cơ sở khoa học chuyên ngành để quản lý tài nguyên nước một cách đúng đắn, hiệu quả; bắt kịp yêu cầu quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước bền vững trong bối cảnh nguồn nước đang ngày càng cạn kiệt, bị ô nhiễm do thiên tai gây ra.
Vì vậy, để Viện nhanh chóng được thành lập, đi vào hoạt động, Thứ trưởng đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ sớm hoàn thiện Đề án này, trong đó cân nhắc, làm rõ việc thành lập Viện Khoa học tài nguyên nước có thể trên cơ sở nâng cấp từ một đơn vị nòng cốt sẵn có hoặc đề xuất thành lập mới. Thứ trưởng cho rằng, phương án thành lập trên cơ sở nâng cấp từ một đơn vị nghiên cứu có sẵn để nâng cấp, điều động, bổ sung thêm sẽ giúp Viện thành lập và nhanh chóng đi vào hoạt động hơn so với phương án thành lập mới. Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực để đảm bảo các điều kiện cho Viện hoạt động.
Đối với nội dung Đề án, Thứ trưởng đề nghị phải giải trình rõ hơn sự cần thiết thành lập Viện khoa học tài nguyên nước; trong đó, phải bật được vai trò chiến lược trước mắt và lâu dài của tài nguyên nước, yêu cầu phải thay đổi tư duy về tầm quan trọng của nguồn nước như một loại hàng hóa, dùng nước phải trả tiền và sử dụng nước không phải theo kiểu “trời cho”.
(Theo monre.gov.vn)