Xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh – hiện đại là mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta đặt ra. Xong, từ mong muốn đến hiện thực vẫn còn một khoảng cách khá xa. Và để rút ngắn khoảng cách này, những đòi hỏi từ thực tiễn cũng như thay đổi tư duy hành động đang đặt ra không ít việc phải làm.
Một trong 19 tiêu chí theo chuẩn Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới là làm sạch môi trường và cung cấp đủ nước sinh hoạt sạch, hợp vệ sinh cho dân cư, trường học, trạm y tế… Để thực hiện mục tiêu này, các ban, ngành và các địa phương ở Nghệ An, trong thời gian qua đã khẩn trương thực hiện các giải pháp, song cho đến thời điểm này, vấn đề nước sạch, không chỉ ở khu vực nông thôn mà các vùng ven đô vẫn còn hết sức nan giải.
Nhiều công trình nước sạch bị “treo” và… “hoang hóa”
Nghệ An, có 478 xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 30-40% số xã có nước sạch sinh hoạt. Tại hầu hết các huyện trong tỉnh, nước sạch đã trở thành vấn đề nan giải. Hơn 500 hộ dân khối chế biến lâm sản ở phường Quang Phong – thị xã Thái Hòa (Nghệ An) hiện nay đang khốn khổ vì dự án nước sạch bị “treo”, người dân phải đi xa hàng cây số mua nước về dùng và sinh hoạt.
Rác thải vẫn tràn ngập các hồ ao ở nông thôn
Căn nguyên của nỗi khổ đó là dự án nước sạch mà người dân nơi đây đã “cắn răng” đi vay ngân hàng để đầu tư hơn 4 năm nay đã bị “treo” khiến cho các hộ dân khối này hết sức bức xúc.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Nhà nước hỗ trợ 60%, dân đóng góp 40%. Dân không có tiền nên Hội CCB đã đứng ra vay Ngân hàng chính sách được 500 triệu đồng. Chỉ có 120 hộ gia đình vay và đóng tiền cho dự án mỗi hộ 1,2 triệu đồng. Đơn vị thi công bắt đầu thi công lắp đặt đường ống dẫn nước cho khối ngày 27/12/2007. “Họ thi công rất chậm rồi sau đó dừng lại cho đến nay, vậy là 120 hộ chúng tôi 4 năm rồi phải cắn răng trả lãi ngân hàng mà nước không có lấy một giọt” – Một người dân bức xúc.
Hay như bất cập tại các dự án theo Chương trình 135 của Chính phủ đều nằm “đắp chiếu” nên người dân chỉ biết “kêu trời”. Đơn cử như đường ống dẫn nước xã Thanh Đức (huyện Thanh Chương) được lắp đặt vào năm 2008. Công trình sử dụng nguồn vốn từ Chương trình 135, với số tiền lên đến 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ khi khánh thành đến nay, đã 3 năm nhưng công trình này chưa một lần vận hành bởi không có nguồn nước!
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các xã Liên Thành, Sơn Thành (huyện Yên Thành); Quỳnh Dị, Quỳnh Phương, Quỳnh Lộc (huyện Quỳnh Lưu); Nghi Kiều, Nghi Văn, Nghi Lâm (Nghi Lộc), các công trình nước sạch cũng bị “treo” hoặc có thì cũng hoạt động “ì ạch”.
Lên huyện Quỳ Châu mới thấy hết nỗi “ấm ức” của người dân. Tại các xã được cho là “vùng sâu vùng xa” của huyện như xã Châu Phong, Châu Hoàn, Diên Lãm… các công trình nước sạch cũng được làm đi làm lại như chuyện cơm bữa. Thế nhưng, công trình hiệu quả nhất cũng chỉ hoạt động được vài tháng rồi người dân lại phải trở lại với thói quen hàng ngày là dùng nước suối vì… đã bị hỏng lúc nào không hay. Theo thống kê chưa đầy đủ, riêng xã Châu Phong có ít nhất 30 bể nước bị cạn khô.
Thành thị cũng khốn khổ vì hai chữ… “nước sạch”
Nam Đàn là một huyện điểm trong đề án xây dựng nông thôn mới, thế nhưng đến nay vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường vẫn là một giấc mơ mà người dân mong đợi từ lâu. Quyết định xây dựng nhà máy nước sạch ở huyện Nam Đàn đã được phê duyệt từ năm 2001 theo Quyết định 226 ngày 9/3/2001 của UBND tỉnh Nghệ An, thế nhưng đến nay người dân ở thị trấn Nam Đàn và vùng lân cận vẫn chưa có nước để dùng.
Ông Lê Văn Quý, Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch, huyện Nam Đàn, là một trong những thành viên ban chỉ đạo xây dựng Nhà máy Nước sạch Nam Đàn, cho biết: “Theo kế hoạch là tháng 3 năm 2011 sẽ hoàn thành, tuy nhiên trong khi thi công có những vấn đề phát sinh dẫn đến chậm tiến độ. Nguyên nhân cơ bản là do nguồn kinh phí hạn hẹp…”.
Không chỉ ở Nam Đàn, mà ngay cả một số huyện lân cận thành phố Vinh, đến nay nước sạch vẫn là một giấc mơ.
1/7/2008, các xã Nghi Ân, Nghi Đức, Nghi Kim, Nghi Liên (huyện Nghi Lộc) và xã Hưng Chính, Hưng Thịnh (huyện Hưng Nguyên) chính thức được sáp nhập vào thành phố Vinh (Nghệ An). Qua 2 năm được lên đời thành phố, cuộc sống người dân tưởng sẽ thay đổi, nhưng hóa ra vẫn chỉ là cái “mác”.
Các xã thuộc huyện Nghi Lộc trước đây bao gồm: Nghi Đức, Nghi Ân, Nghi Liên…hoàn toàn chưa có hệ thống đường ống nước máy sinh hoạt, đồng nghĩa với việc 100% người dân chưa có nước máy sử dụng. “May mắn” nhất là xã Hưng Chính đã có hệ thống đường ống nhưng nằm cuối nguồn Nhà máy nước nên “họa chăng hay chớ” mới có nước dùng.
Dở khóc dở cười là các khối: 1, 2, Châu Hưng, Yên Cư thuộc phường Vinh Tân (TP Vinh). Các khối này dùng nước máy cùng đường ống nước của xã Hưng Thịnh từ năm 2002 đến nay. Nhà máy bán nước tính theo chỉ số ở đồng hồ tổng chứ không phải là đồng hồ tại gia đình. Mọi thu chi, cân đối và quản lý hệ thống đường ống đều thông qua HTX điện nước Hưng Thịnh.
Đường ống nước hiện đã xuống cấp nghiêm trọng gây rò rỉ, thêm tình trạng ăn cắp, lãng phí nước gây thất thoát một lượng nước lớn trên toàn hệ thống. Người dân dùng nước phải chi trả giá thành nước gấp đôi giá thông thường vì phải bù vào lượng nước thất thoát. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm. Hai năm qua, người dân 4 khối này đã kiến nghị lên các cấp, các ngành vấn đề này nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Về vấn đề này, ông Phạm Duy Kỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Nghệ An, cho biết: “Hiện toàn tỉnh Nghệ An có trên 100 xã có nước sạch sử dụng. Tuy nhiên, chất lượng thì vẫn chưa đảm bảo được theo tiêu chuẩn 02 của Bộ Y tế”.
(Theo Phạm Tuân – Quách Bình – Monre.gov.vn)
Bài 2: Rác thải – Nỗi lo không của riêng ai