Vấn đề cấp thiết về quản trị nguồn nước tại IPU-132

IPU_1

NDĐT- Trong hai ngày 30 và 31-3, tại Hà Nội, các đại biểu Việt Nam và nghị sĩ quốc tế đã thảo luận chuyên đề “Theo dõi Nghị quyết về quản trị nguồn nước của IPU: Tiến về phía trước”, nhằm trao đổi ý kiến và đưa ra đề xuất về những hoạt động có thể tiến hành sau khi Nghị quyết về quản trị nguồn nước được thông qua tại Đại hội đồng IPU-132.

Tăng cường cơ chế đối thoại thường xuyên

Tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường trực về Phát triển bền vững, Tài chính và Thương mại (Ủy ban 2), đại diện các Nghị viện quốc gia thành viên đã tập trung vào ba nội dung chính theo gợi ý của ban đại diện là nâng cao nhận thức về Nghị quyết IPU, những cơ hội sử dụng Nghị quyết IPU về quản trị nguồn nước ở các quốc gia và những hoạt động tiếp theo của các Nghị viện để thực hiện Nghị quyết IPU.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam cho biết: Theo ý tưởng và tinh thần của IPU-132 lần này về “Biến lời nói thành hành động”, sau khi thảo luận và thông qua Nghị quyết IPU tại Đại hội đồng IPU, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam kiến nghị các Nghị viện thành viên cần có những hành động cụ thể. Với Việt Nam, sẽ cụ thể hóa qua hoạt động Quốc hội thời gian tới, quan tâm hơn nữa việc tăng cường phổ biến nội dung Nghị quyết tới cơ quan nhà nước ở tất cả các cấp, các tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân để nâng cao nhận thức chung của toàn xã hội.

“Bên cạnh thúc đẩy xây dựng các chương trình giáo dục đào đạo về quản trị nước, sẽ đẩy mạnh ngoại giao ngành nước, tập trung vào ngoại giao Nghị viện nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế về quản trị nước; hình thành cơ chế đối thoại thường xuyên với các quốc gia láng giềng” – Ông Nguyễn Văn Phúc cho biết.

Đại diện Đoàn Việt Nam cho biết, sẵn sàng chia sẻ thông tin về tài nguyên nước, các vấn đề liên quan trong công tác quản trị nước và trao đổi kinh nghiệm về sự tham gia của Nghị viện các quốc gia đối với quản trị nước.

Đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham gia thảo luận dự thảo Nghị quyết “Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước” tại phiên họp của Ủy ban 2, do bà N. Marino, đại diện Nhóm khu vực châu Á – Thái Bình Dương chủ tọa, với sự tham dự của gần 40 đại diện Nghị viện thành viên.

Đoàn Việt Nam kiến nghị bổ sung nội dung trong Nghị quyết, trong đó, kêu gọi các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển, “thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ các nước đang phát triển trong các nỗ lực quản trị nước, bao gồm lập kế hoạch, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả nguồn nước, hướng tới phát triển bền vững”.

Ngoài ra, Đoàn Việt Nam đã phát biểu ủng hộ dự thảo Nghị quyết về khuyến khích các quốc gia có nguồn nước chung hợp tác về những vấn đề có liên quan đến nguồn nước quốc tế và cân nhắc một cách nghiêm túc việc tham gia khuôn khổ pháp luật quốc tế về hợp tác nguồn nước xuyên biên giới. Dự thảo Nghị quyết về nội dung này đã được các đại biểu chấp thuận.

Tiếp theo nội dung của phiên làm việc trong khuôn khổ IPU-132, Ủy ban 2 đã tiến hành thảo luận chuyên đề”Theo dõi Nghị quyết về quản trị nước của IPU: Hướng về tương lai”, do Ngài R.León, Chủ tịch Ủy ban chủ tọa phiên thảo luận.

IPU_2

Với mục đích trao đổi ý kiến và đưa ra đề xuất về những hoạt động có thể tiến hành, sau khi Nghị quyết của IPU về nội dung quản trị nguồn nước được thông qua tại IPU-132, đại diện các Nghị viện quốc gia thành viên tham dự phiên làm việc đã trao đổi tập trung vào ba nội dung chính theo gợi ý của Ban đại diện: (1) nâng cao nhận thức về Nghị quyết IPU; (2) những cơ hội sử dụng Nghị quyết IPU để cải thiện việc quản trị nguồn nước tại quốc gia của Nghị viện thành viên; và (3) những hoạt động tiếp theo của các Nghị viện thành viên để thực hiện Nghị quyết IPU.

Tại phiên họp này, có 22 đại diện Nghị viện phát biểu ý kiến, gồm: Chile, Việt Nam, Iran, Hàn Quốc, Ả Rập Xê-út, Thụy Sĩ, Ấn Độ, Malaysia, Congo, Nhật Bản, Thái-lan, Trung Quốc, Philippines, Panama, Ethiopa, New Zealand, Syria, Zimbabwe, Sudan, Thụy Điển, Timo và Myanmar.

Theo đại diện Đoàn Việt Nam, nhìn chung, các quốc gia thống nhất về tác động mạnh mẽ của nước đối với cuộc sống, khẳng định quyền được sử dụng nước sạch là quyền cơ bản của con người. “Hầu hết các nghị sĩ quốc tế đồng thuận về sự cần thiết thực thi Công ước 1997; khẳng định tầm quan trọng của Nghị quyết và các Nghị viện cần nỗ lực thực hiện Nghị quyết của IPU trên thực tế”.

IPU_3

Tuân thủ luật pháp quốc tế

Phát biểu về nội dung này, đại diện Đoàn Việt Nam đã chia sẻ quan điểm với Nghị viện các nước bạn về tầm quan trọng của Nghị quyết IPU-132 về “Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước” và các hành động cần thực hiện tiếp theo IPU-132.

Tại các phiên thảo luận, các ý kiến và đề xuất đều nhấn mạnh đến yếu tố trung tâm của con người trong quản trị nguồn nước, việc bảo đảm nhân quyền, nhất là quyền của phụ nữ và trẻ em, trong sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước, tác động nghiêm trọng của tình trạng khan hiếm nước đối với cuộc sống của người dân và quá trình phát triển việc tuân thủ luật pháp quốc tế, các thỏa thuận và công ước về nước đã được ký kết.

Nội dung “Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước” là một trong nhiều nội dung nhằm thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững tại IPU-132, trên cơ sở đề xuất của Việt Nam và Butan.

Theo các nhà quan sát, Nghị quyết được thông qua sẽ là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng thúc đẩy sự hợp tác hành động của Nghị viện các nước trong việc chung tay bảo đảm thực hiện Quyền con người về nước và vệ sinh đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 2010.

Theo số liệu của các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế, trên trái đất, 71% diện tích có nước bao phủ, trong đó, 97% là nước mặn, còn lại là nước ngọt. Trong 3% lượng nước ngọt, có khoảng ¾ lượng nước con người không sử dụng được, do nằm quá sâu trong lòng đất, bị đóng băng, ở dạng hơi trong khí quyển và dạng tuyết trên lục địa…

Theo số liệu nghiên cứu khoa học, chỉ có 0,5% nước ngọt hiện diện trong sông, suối, ao, hồ mà con người đã và đang sử dụng. Nếu trừ phần nước bị ô nhiễm, chỉ có khoảng 0,003% là nước ngọt sạch mà con người có thể sử dụng, và trung bình, mỗi người được cung cấp khoảng 879 nghìn lít nước ngọt để sử dụng.

Với nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt và cho sản xuất ngày càng tăng, cùng tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng trầm trọng (trung bình, mỗi ngày có khoảng hai triệu tấn chất thải sinh hoạt đổ ra sông, hồ, biển, 70% chất thải công nghiệp chưa qua xử lý đổ vào nguồn nước), thế giới đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước sạch.

Nhằm xây dựng một khung pháp lý điều chỉnh việc chia sẻ nguồn nước xuyên quốc gia, một nỗ lực toàn cầu đã được triển khai, đã cho ra đời Công ước của Liên hợp quốc về Luật sử dụng các nguồn nước xuyên biên giới vì mục đích phi giao thông thủy, vào năm 1997. Công ước là văn kiện pháp lý toàn cầu đầu tiên về quản lý các nguồn nước xuyên quốc gia. Công ước có hiệu lực năm 2014, khi Việt Nam trở thành nước thứ 35 phê chuẩn, làm cho Công ước đủ điều kiện và hiệu lực, sau 17 năm kể từ khi được thông qua.

anh_IPU_4

(Theo nhandan.com.vn)