Vĩnh Phúc: Nước sạch về với người dân vùng núi

Nước sạch đã về với đồng bào dân tộc huyện miền núi Tam Đảo
Tam Đảo có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Sán Dìu, Hoa, Mường… trình độ dân trí nói chung còn thấp, đặc biệt là các xã ở xa Trung tâm huyện kinh tế còn nghèo. Hiện nay, trên địa bàn huyện chưa có hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt quy mô hoàn chỉnh. Phần lớn người dân sử dụng giếng đào làm nguồn cung cấp nước cho sinh hoạt. Nước ở một số nơi đã có biểu hiện ô nhiễm như có màu vàng, mùi hôi, tanh… ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Kết quả khảo sát cho thấy, người dân ở hai xã này sử dụng nước cấp cho sinh hoạt từ 3 nguồn chính là giếng khoan, giếng khơi và nước mưa. Đa phần người dân sử dụng nước từ giếng đào với độ sâu từ 3-8m. Tuy nhiên, không phải giếng nào đào xong cũng có nước và có giếng nước không đủ dùng cho một gia đình, một số giếng nhiễm tạp chất, nước không đảm bảo chất lượng và vệ sinh môi trường. Khó khăn nhất là vào mùa khô, các giếng đều cạn nước, người dân phải dùng phèn hoặc bể tự chế để lọc nước trời tại các ao, hồ đầm vốn cũng rất khan hiếm để lấy nước sinh hoạt. Cây cối, mùa màng không có nước tưới, liên tiếp mất mùa, đời sống của người dân ngày càng khó khăn, túng thiếu. Theo những người dân, nguồn nước ngầm đều có màu vàng, mùi tanh và họ đều ý thức được lợi ích của việc sử dụng nước sạch trong sinh hoạt đối với sức khỏe, song do kinh tế khó khăn nên không có điều kiện để đầu tư lắp đặt các thiết bị lọc nước hoặc xây dựng hệ thống xử lý nước cấp quy mô hộ gia đình.
Để có căn cứ đánh giá chất lượng nước cụ thể, chính xác, Trung tâm Tài nguyên và Bảo vệ môi trường (TN&BVMT) đã tiến hành lấy mẫu nước ngầm trên địa bàn 2 xã trên để phân tích. Kết quả cho thấy, các mẫu nước đều có các chỉ tiêu: Sắt, độ cứng, chất rắn tổng số có nồng độ cao và vượt QCVN. Đối với Trạm Y tế xã Minh Quang và Trạm Y tế xã Đạo Trù, nước từ giếng được bơm trực tiếp lên két nước inox rồi cấp đi sử dụng không qua bất kỳ một biện pháp xử lý nào. Chiến lược Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2020, trong đó hướng tới mục tiêu tất cả các nhà trẻ, trường học, cơ sở giáo dục và trạm y tế đều được dùng nước sạch. Trên tinh thần đó, UBND huyện Tam Đảo đã phối hợp với Trung tâm TN&BVMT – Sở TN&MT Vĩnh Phúc xây dựng mô hình điểm hệ thống xử lý nước cấp sinh hoạt cho Trạm Y tế xã Đạo Trù và Trạm Y tế xã Minh Quang, là 2 xã vùng sâu, cách xa trung tâm huyện.
Trên cơ sở đo đạc và khảo sát thực tế, UBND huyện Tam Đảo đã lựa chọn mô hình công nghệ xử lý nước cấp cho 2 Trạm Y tế từ các phương án xử lý đề xuất của Trung tâm TN&BVMT. Nguồn nước thô được bơm lên bể làm thoáng tiếp xúc với oxy trong không khí để chuyển hóa Mangan, Sắt thành Sắt hydroxit và Mangan hydroxit ở dạng kết tủa nhằm loại bỏ Sắt và Mangan có trong nước. Sau đó nước được lọc qua lớp cát thạch anh nhằm loại bỏ cặn sắt, mangan và các tạp chất lơ lửng khác. Nước sau khi đã loại bỏ cặn, được chuyển sang bể lọc than hoạt tính. Tại đây do đặc tính cấu tạo, than hoạt tính sẽ có tác dụng khử mùi, màu của nước. Tiếp theo, nước được dẫn sang bể chứa hạt Cationit với mục đích làm mềm nước (khử độ cứng trong nước bằng quá trình trao đổi ion, giữ lại Ca2+ và Mg2+)
Nước sau khi xử lý đạt QCVN của Bộ Y tế và được dẫn xuống bể chứa nước ngầm. Tại bể chứa nước sạch, nước được bơm tự động (nhờ hệ thống phao tự động) lên két nước inox và cấp đến các đối tượng dùng nước trong trạm y tế. Hiện nay, mô hình này đã đưa vào sử dụng và được người thụ hưởng đánh giá cao về chất lượng nước sau xử lý.
Theo kế hoạch, trong thời gian tới, mô hình xử lý nước cấp sinh hoạt trên sẽ được Trung tâm TN&BVMT áp dụng triển khai tại xã Đại Đồng (Vĩnh Tường), xã Đồng Cương (Yên Lạc). Nguồn kinh phí từ kinh phí sự nghiệp môi trường năm 2011 cấp cho Trung tâm TN&BVMT.
 

(Theo Monre.gov.vn)