Vĩnh Phúc: Đưa nước sạch đến trường học

 Trước thực trạng bệnh tay, chân, miệng bùng phát mạnh tại các tỉnh phía nam, một số bệnh truyền nhiễm lây lan mạnh khi sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh, tỉnh Vĩnh Phúc xác định cấp nước và xây dựng nhà vệ sinh cho các cơ sở giáo dục là công việc trọng tâm và cấp bách, cần sớm đầu tư, góp phần cải thiện môi trường, nâng cao sức khỏe cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống và giáo dục.

 
Từ những khó khăn
Là tỉnh tương đối nghèo về tài nguyên, khoáng sản, trữ lượng nước ngầm không lớn, nguồn nước mặt phụ thuộc vào thiên nhiên, chưa điều tiết có hiệu quả. Theo phê duyệt kết quả thực hiện Bộ chỉ số Theo dõi – đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường (NS và VSMT) nông thôn giai đoạn 2009-2010, cả tỉnh có 63,79% số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ được sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn 02/BYT mới đạt 45,14%; 35,7% số trường học có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh… Vấn đề bảo đảm nước sạch và vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường kém, ảnh hưởng lớn tới người dân, nhất là sự phát triển và tương lai của trẻ em. Ảnh hưởng đến sức khỏe do thiếu điều kiện vệ sinh sẽ kéo theo hàng loạt các chi phí như chi phí y tế, giảm thu nhập cá nhân…
Theo Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, học sinh nhiều trường học trên địa bàn tỉnh phải sử dụng nguồn nước uống, nước sinh hoạt bị ô nhiễm.  Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tới 81 trường không có thiết bị xử lý nước, 62 trường sử dụng bể cát để lọc nước, chỉ có 147 trường dùng máy lọc nước. Qua xét nghiệm ngẫu nhiên chín mẫu nước tại chín trường học cho thấy, có tám mẫu không đạt tiêu chuẩn mẫu nước sinh hoạt theo tiêu chuẩn Việt Nam và mẫu nước ăn uống theo quy chuẩn Việt Nam của Bộ Y tế. Nguồn nước cung cấp cho học sinh uống được lấy trực tiếp từ giếng đào, giếng khoan… không qua kiểm nghiệm, được sử dụng trực tiếp cho học sinh. Ngoài ra, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh không có hoặc thiếu nhà vệ sinh công cộng. Ðối với các trường được trang bị nhà vệ sinh đầy đủ thì phần lớn đều không bảo đảm tiêu chuẩn như không được dọn dẹp thường xuyên, thường có mùi khai, rác, nhất là không có xà phòng diệt khuẩn rửa tay… Ðiều này không chỉ ảnh hưởng đến học sinh, nhất là trong bối cảnh bệnh tay, chân, mệng lây lan mạnh tại các tỉnh, thành phố phía nam, dịch cúm (H1N1) còn chưa giảm mà còn đặt ra vấn đề lớn về môi trường. Theo đó khu vực chung quanh nhà vệ sinh xuống cấp thường bị ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của học sinh và khu vực dân cư lân cận.
Hơn thế nữa, một thực tế từ lâu nay các trường học trên địa bàn tỉnh khi xây dựng thường xem nhẹ khâu thiết kế nhà vệ sinh. Có nơi xây dựng hàng chục phòng học rộng hàng nghìn m2 nhưng nhà vệ sinh lại không có hoặc rất nhỏ. Vì vậy, khi công trình xây xong đưa vào sử dụng thường gặp phải sự bất cập là thiếu chỗ vệ sinh cho học sinh. Nhiều công trình đã phải khắc phục bằng cách phá dỡ nhà vệ sinh để xây lại, dẫn đến tốn kém kinh phí cho Nhà nước…
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, số đông các phụ huynh học sinh đều thống nhất rằng, cần phải thường xuyên duy trì việc xây dựng, dọn dẹp vệ sinh công trình phụ trong trường học. Một thực trạng nữa có nhiều trường học sau khi xây dựng nhà vệ sinh xong cũng thường xuyên phải đóng cửa do không đủ nước dùng, điều này ảnh hưởng tới tâm lý học sinh.
 
Cần những giải pháp đồng bộ
Nhận thức rõ công trình nước sạch là một phần không thể thiếu của các cơ sở giáo dục, nhất là trong phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đã từng bước xóa bỏ trường học tạm, triển khai chương trình kiên cố hóa, hiện đại hóa, xây dựng nhiều trường chuẩn quốc gia. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng chứa nước sạch cho các trường cũng được quan tâm. Tuy nhiên, do đầu tư không đồng bộ và hạn hẹp về kinh phí, nhiều trường học hệ thống cấp nước được tu sửa nâng cấp cải tạo, nhưng nước khi có khi không.
Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc Ðinh Gia Thành cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có tổng cộng 252 trường học; trong đó có 108 trường mầm non, 80 trường tiểu học, 64 trường THCS không có hoặc chưa có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đang chú trọng giải quyết vấn đề này một cách khẩn trương, sáng tạo, phấn đấu cải thiện môi trường, vệ sinh cá nhân, xây dựng hệ thống cấp nước sạch và vệ sinh cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Từ đó góp phần không chỉ tạo ra môi trường giáo dục tốt ở đội ngũ giáo viên giỏi, cơ sở vật chất hiện đại mà còn nâng cao chất lượng sinh hoạt trong cuộc sống và chất lượng giáo dục. Ngoài ra, trung tâm còn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân về sử dụng nước sạch và các hành vi giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh cộng đồng để tạo ra những chuyển biến trong nhận thức về sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường.
Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có quyết định giao trung tâm làm chủ đầu tư xây dựng Dự án cấp nước và nhà vệ sinh cho các cơ sở giáo dục, mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh, nhằm tăng cường cơ sở vật chất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu giáo dục – đào tạo của các nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Dự án sẽ tiến hành xây dựng nhà vệ sinh cho 108 trường mầm non, 144 trường tiểu học và THCS tại các huyện: Sông Lô, Lập Thạch, Tam Dương, Tam Ðảo, Vĩnh Tường và Yên Lạc. Các công trình nhà vệ sinh được xây dựng theo quy mô nhà một tầng, với diện tích từ 24 đến 38 m2, tường chịu lực, nhà được ốp gạch men kính cao 1,2 m; hệ thống điện, nước đồng bộ. Hệ thống cấp nước được đầu tư xây dựng 231 giếng khoan và 21 giếng đào; lắp đặt toàn bộ 252 máy bơm nước và thiết bị lọc bằng phương pháp lọc thẩm thấu.
Ðầu tư xây dựng công trình cấp nước và nhà vệ sinh cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết, đóng góp một phần vào công cuộc phát triển nền giáo dục của địa phương, cải thiện môi trường sống, từng bước nâng cao sức khỏe cho người dân, nhất là sức khỏe cho những mầm non của đất nước.
Ðể chương trình thật sự phát huy hiệu quả lâu dài, tỉnh Vĩnh Phúc cần có cơ chế, chính sách thông thoáng nhằm thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tại chỗ… tham gia để công tác quản lý công trình sau đầu tư bền vững, cũng như cần xây dựng cơ chế thu tiền nước sử dụng đối với từng hộ gia đình để có trách nhiệm chung trong việc quản lý công trình một cách bền vững.
Theo Nhân dân