Nếu nước nào cũng chỉ lo khai thác các nguồn lợi từ sông Mê Kông mà không quan tâm đến lợi ích chính đáng của các quốc gia khác, nhất là các quốc gia ở hạ lưu, thì tranh chấp, mâu thuẫn sẽ leo thang phá vỡ các mối quan hệ hữu nghị truyền thống, thậm chí có thể căng thẳng, đối đầu về chính trị và an ninh. Trong điều kiện đó, ổn định khu vực sẽ bị tổn thương nghiêm trọng…
Đây là cảnh báo của Thiếu tướng PGS.TS Lê Văn Cương,Viện Chiến lược và Khoa học Công an (Bộ Công an) tại buổi tọa đàm cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội về vấn đề phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê-Kông do Viện Nghiên cứu Lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cùng phối hợp với Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức ngày 4/10 tại Hà Nội.
Theo PGS.TS Lê Văn Cương, ở cấp độ khu vực, các đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông sẽ tác động đến an ninh phi truyền thống và ổn định khu vực. Hình thành di dân tự do xuyên biên giới và các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia ở lưu vực sông Mê Kông từ thượng nguồn xuống hạ lưu.
Việt Nam có thể là quốc gia được hưởng lợi ít nhất từ phát triển thủy điện trên dòng chính, song lại phải chịu nhiều rủi ro nhất.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng nhóm tư vấn quốc gia, phân tích, 12 đập thủy điện dòng chính Mê Kông sẽ mang lại lợi ích chung khoảng 3-4 tỉ USD/năm cho các quốc gia vùng hạ lưu Mê Kông, tính cho năm 2030. Cụ thể Lào sẽ hưởng lợi nhiều nhất khoảng 70%, Thái Lan và Campuchia khoảng 11-12%, Việt Nam khoảng 5%.
Tổng đầu tư đến 2030 là 18-25 tỉ USD; khoảng 1.5 tỉ USD/năm. Hầu hết đầu tư là đến từ nước ngoài. “50% đầu tư này sẽ chỉ “đi ngang qua” Lào và Campuchia vì những chi phí đầu vào (trang thiết bị, dịch vụ kỹ thuật) phải mua từ bên ngoài khu vực. Việc phát triển thủy điện sẽ làm gia tăng bất ổn định dòng lượng phù sa sẽ còn ¼ hiện nay (từ 165 triệu tấn còn 42 triệu tấn/năm).
Còn TS Đào Trọng Tứ, nguyên Phó Tổng Thư ký Ủy ban sông Mê-Kông Việt Nam cảnh báo, các đập trên dòng chính Mê Kông khiến hàng năm sẽ có khoảng 220.000 đến 440.000 tấn cá trắng bị rủi ro, chưa tính đến lượng cá đen ăn cá trắng để tồn tại. Nếu tính trung bình giá cá trắng là 50,000 đồng/kg, hàng năm sự tổn thất riêng về cá trắng đối với đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ là 11.000 đến 22.000 tỉ đồng, hoặc từ 500 triệu đến 1 tỉ USD mỗi năm. “Tổn thất này là vĩnh viễn, không phục hồi được và chỉ riêng tổn thất này đã có thể lớn hơn lợi ích về năng lượng do các đập này mang lại…”, TS Tứ nói.
Các chuyên gia cũng kiến nghị Chính phủ giao các cơ quan chức năng tiến hành ngay nghiên cứu đánh giá tác động toàn diện của hệ thống 12 công trình đập thủy điện đối với ĐBSCL. Nếu Thủ tướng cho phép, nhóm chuyên gia mong muốn được báo cáo với Thủ tướng và Chính phủ về những rủi ro có thể đối với an ninh lương thực, quốc gia liên quan tới 12 đập này.
(Theo Monre.gov.vn)