Vẫn còn khác biệt về tiếp cận nước sạch giữa các vùng, miền, giữa nông thôn và thành thị

Thực hiện cam kết Mục tiêu thiên niên kỷ số bảy (MDG7) về bảo đảm bền vững về môi trường, Chính phủ đã xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn. Các mục tiêu của chương trình đề ra đến năm 2015 đó là: Về cấp nước, 85% số dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 45% số dân sử dụng nước đạt QCVN02:2009/BYT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt). Ðối với vệ sinh môi trường có 65% số hộ gia đình có nhà vệ sinh phù hợp và 100% số trạm y tế xã, phường và trường học có nhà vệ sinh phù hợp. Tổng số vốn đầu tư của chương trình là 27 nghìn tỷ đồng, trong đó có ba dự án là: dự án cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn; vệ sinh nông thôn và nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát…

Kết quả cho thấy, đến hết năm 2011 đã có 92% số hộ gia đình đã được sử dụng nước sạch an toàn, tăng lên từ mức 78,7% vào năm 2000. Các hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch tăng từ 78% lên 89% trong thập kỷ vừa qua. Năm 2011, có 78% tổng số hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn sự khác biệt về tiếp cận nước sạch giữa các vùng, miền, giữa nông thôn và thành thị, với tỷ lệ thấp nhất thuộc các khu vực miền núi phía bắc và Tây Nguyên là 80,7% và 86,1%. Mức độ tiếp cận nước sạch cao nhất là ở khu vực đồng bằng sông Hồng và các vùng Ðông Nam Bộ, tương đương với 99% và 98,4%. Trên phạm vi toàn quốc, có 93,8% số dân cư thành thị và 71,4% số dân nông thôn sử dụng nhà vệ sinh cải tiến. Tình trạng không có nhà vệ sinh chủ yếu xảy ra đối với người nghèo (22,9%) và các nhóm dân tộc thiểu số (27,5%)…

Thời gian tới, Mục tiêu thiên niên kỷ số bảy chú trọng tới việc nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, từng gia đình và toàn thể xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của các hoạt động vệ sinh đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người dân, mỗi gia đình… Ðồng thời, công tác thông tin, giáo dục, truyền thông cần tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là truyền thông trực tiếp tại các thôn, bản. Thông qua đội ngũ tuyên truyền viên tại các thôn, bản nhằm thúc đẩy nhu cầu xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, cũng như việc thực hành vệ sinh, sử dụng nước sạch cho sinh hoạt của người dân trên mọi miền đất nước.

(Theo Monre.gov.vn)