Ủy ban Lưu vực sông Sê San – Sêrêpôk: Giải quyết những thách thức về tài nguyên nước trên lưu vực

vv107Bộ TN&MT đang xây dựng và chuẩn bị trình Chính phủ về việc thành lập Ủy ban Lưu vực sông Sê San – Sêrêpôk. Điều này hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay và là tất yếu khách quan của phương thức quản lý tài nguyên nước theo lưu vực sông. Khi ra đời, Ủy ban này sẽ giải quyết những bức xúc từ thực tiễn đặt ra về quản lý, sử dụng, khai thác và bảo vệ nguồn nước trên lưu vực…

Thách thức về tài nguyên nước trên lưu vực sông Sê San – Sêrêpôk

Sông Sê San là một trong các chi lưu lớn của sông Mê Kông bắt nguồn từ Bắc và Trung Tây Nguyên của Việt Nam rồi chảy sang lãnh thổ Campuchia và nhập vào sông Sêrêpôk gần Stung Treng. Nằm trên hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai, sông Sê San bắt nguồn từ Bắc Kon Tum, hình thành bởi 3 sông nhánh là sông Đăk Bla, sông Krong Poco và sông Sa Thầy.

Còn sông Sêrêpôk do hai nhánh sông chính là Krông Ana và Krông Knô hợp thành trên lãnh thổ Việt Nam rồi chảy vào Campuchia. Lưu vực sông Sêrêpôk nằm trên 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Đắk Lắk.

Với nguồn tài nguyên nước phong phú (sông Sê San là 12,9 tỷ m3, Srêpôk là 9,7 tỷ m3) kết hợp với địa hình dốc được xem là lợi thế trong phát triển thủy điện, tưới tiêu, cấp nước công nghiệp, sinh hoạt góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế – xã hội và cải thiện điều kiện sinh sông của người dân 5 tỉnh Tây Nguyên.

Tuy nhiên các thách thức trên lưu vực sông này không hề nhỏ. Đó là ô nhiễm từ hoạt động công nghiệp và sinh hoạt. Đó là tình trạng khan hiếm, thiếu nước về mùa khô và lũ, lụt về mùa mưa ngày càng tăng. Đó là sự mất cân đối nguồn nước làm cho sự cạnh tranh trong sử dụng nước giữa các ngành, các hộ dùng nước…

Từ những thách thức trên, cần thiết phải có cơ chế và tổ chức phối hợp để điều hành, giám sát việc phân phối và chia sẻ nguồn nước. Tổ chức ấy đã được quy định trong Luật Tài nguyên nước sửa đổi và Nghị định 120 về quản lý lưu vực sông, đó là Ủy ban Lưu vực sông.

Chấm dứt quản lý sông theo tỉnh

Theo dự thảo Quyết định thành lập Ủy ban Lưu vực sông Sê San – Sêrêpôk, Ủy ban này sẽ trực thuộc Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) có chức năng phối hợp giải quyết và giám sát liên ngành, liên tỉnh đối với các hoạt động quy hoạch, khai thác, sử dụng, bảo vệ, điều hòa, phân phối nguồn nước và phòng, chống, khắc phục hậu quả do nước gây ra; tư vấn cho các tổ chức, cá nhân về các hoạt động quản lý và thực hiện quy hoạch trên lưu vực sông Sê San – Sêrêpôk. Ông Trương Hồng Tiến, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam cho biết, khi ra đời, Ủy ban Lưu vực sông sẽ giải quyết những bức xúc đặt ra từ thực tiễn về quản lý, sử dụng, khai thác và bảo vệ nguồn nước trên lưu vực. Bởi lẽ, thực trạng về quy hoạch, hoạt động vận hành hồ chứa, đập dâng các công trình điều tiết nước, thủy điện và các hoạt động sử dụng đất, khai thác khoáng sản, cung cấp nước công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt, xả nước thải, bảo vệ và phát triển rừng đã làm nảy sinh nhiều bức xúc giữa các ngành khai thác, sử dụng nước và các địa phương, cộng đồng dân cư trên lưu vực sông trong việc tranh chấp tài nguyên nước về mùa khô… Đây là những bức xúc mang tính liên ngành, lĩnh vực, địa phương nên từng ngành, lĩnh vực khai thác, sử dụng nước và từng tỉnh trong lưu vực sông không thể làm được mà phải có sự phối hợp với nhau từ khâu quy hoạch đến giám sát thực hiện quy hoạch, khai thác sử dụng, xả nước thải và bảo vệ nguồn nước, điều phối việc điều hành chia sẻ, phân bổ nguồn nước, chuyển nước sang lưu vực lân cận…

Theo bà Nguyễn Hồng Phấn, chuyên gia về tài nguyên nước, mặc dù quản lý tài nguyên nước đã được phân cấp cho UBND các cấp và được thực thi bởi các cơ quan chuyên môn ở địa phương, song, do lưu vực sông Sê San – Sêrêpôk là lưu vực sông lớn, liên tỉnh nên các hoạt động liên quan đến quy hoạch, thực hiện quy hoạch, điều hành phân bổ, bảo vệ nguồn nước, phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra… ngay trên địa bàn thì chính quyền địa phương không thể tự quyết định và phải xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền kèm theo ý kiến của các địa phương và hộ dùng nước. Ủy ban Lưu vực sông ra đời sẽ chủ động phối hợp liên ngành, địa phương trên lưu vực sông giải quyết tại chỗ, nhanh chóng và sát với tình hình thực tế những vấn đề này; đối với những việc vượt quá thẩm quyền, Ủy ban bàn bạc thống nhất và làm thủ tục hành chính một cửa trình Bộ TN&MT quyết định.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, với sự ra đời của Ủy ban Lưu vực sông còn làm diễn đàn để chia sẻ thông tin và đưa ra sáng kiến để các chủ thể quản lý lưu vực sông và chủ thể khai thác, sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông chung tay giải quyết trên cơ sở công bằng vì lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.


 

 

(Theo Monre.gov.vn)