Ước mơ nước sạch…

vv159Xã Tân Lập, huyện Đan Phượng cách trung tâm Thủ đô chỉ hơn 10km song người dân vẫn chưa có nước sạch. Mong ước lớn nhất của người dân ở đây là sớm được thành phố quan tâm để người dân sớm được dùng nước sạch đặc biệt là khi nguồn nước ngầm ở địa phương này hiện không còn đảm bảo.

Nước ngầm ô nhiễm nặng

Chỉ trong khoảng vài năm trở lại đây, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội có tốc độ đô thị hóa khá nhanh, những ngôi biệt thự, những nhà cao tầng mọc lên như nấm. Bộ mặt nông thôn đang dần thay đổi. Trong suy nghĩ của những người từ nơi xa đến cảm thấy rất vui. Song khi tiếp xúc với người dân điều mà chúng tôi không khỏi thấy buồn là cách trung tâm thành phố chẳng bao xa mà người dân hàng ngày vẫn phải dùng nguồn nước ngầm ô nhiễm. Nỗi mong mỏi có nước sạch để dùng cho sinh hoạt ăn uống là khát khao bấy lâu mà đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Mặc dù thành phố Hà Nội đã đầu tư trạm cấp nước từ vài năm trước đây nhưng không hiểu sao đến giờ vẫn chưa đi vào hoạt động.

Tại thôn Hạnh Đàn, xã Tân Lập người dân vẫn phải tự xoay sở tìm nguồn nước sạch để dùng. 100% các gia đình đều có bể nước giếng khoan dự trữ. Những gia đình thực sự khá giả thì mua bình nước lọc tinh khiết về để dùng cho ăn uống, còn mọi sinh hoạt dùng nước giếng khoan.

Chị Nguyễn Thị Hiền cho biết: Gia đình chị gồm hai vợ chồng và hai cháu nhỏ hàng tháng cũng chỉ dám dùng nước bình vào ăn uống nấu nướng. Còn mọi sinh hoạt khác chị đều dùng nguồn nước giếng khoan. “Một tháng cả gia đình dùng tiết kiệm cũng hết khoảng 10 bình nước, mỗi bình giá 15.000 đồng/bình, tổng cộng khoảng 150.000 đồng. Với mức lương giáo viên và bộ đội như gia đình chị thì số tiền chi cho việc dùng nước sạch là con số không nhỏ. Song vì sức khoẻ của cả gia đình và tương lai của hai đứa con, anh chị đều phải cố gắng”, chị Hiền tâm sự. Mặc dù, chất lượng nước từ các bình lọc ấy có hơn nguồn nước có sẵn không cũng chưa ai dám khẳng định. Theo cảm quan của người dân, dẫu sao nước từ bình lọc cũng trong hơn và đảm bảo hơn nước giếng khoan.

Cũng như gia đình chị Hiền, gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh từ trước tới nay vẫn dùng nước giếng khoan vì cho rằng nguồn nước an toàn. Nhưng từ khi đem mẫu nước xét nghiệm cho thấy, nguồn nước nhiễm amoni gấp amoni cao hơn gấp 10 lần bình thường, tỷ lệ asen cao gấp 10 lần mức độ cho phép trong tình trạng đáng lo ngại thì cũng đã chuyển sang dùng nước bình lọc và nước mưa.

Trước đó, theo công bố của Trung tâm Quan trắc và Dự báo Tài nguyên nước (Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước – Bộ TN&MT) cho biết, tại điểm quan trắc Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội, hàm lượng amoni cao gấp 233 lần tiêu chuẩn. Hàm lượng mangan từ 32 mẫu nước lấy ở tầng nước ngầm có tới 17 mẫu vượt tiêu chuẩn, nhiều nơi có hàm lượng asen cao gấp 3 lần tiêu chuẩn.

Nước đã lọc vẫn ô nhiễm

Trưởng thôn Hạnh Đàn Nguyễn Văn Khánh cho biết: Để đối phó với nguồn ngầm ô nhiễm, người dân đã tự nghĩ ra nhiều phương pháp. Đối với những gia đình có diện tích đất rộng rãi thì thường xây bể chứa nước mưa có dung tích lớn ở trước sân nhà dùng để ăn uống quanh năm. Phương pháp này hết sức đơn giản, lại có hiệu quả và được cha ông truyền lại từ đời trước sang đời sau. Đó là, tận dụng những tháng mùa mưa, người dân hứng nước mưa từ trên mái nhà cho chảy qua ống máng rồi cho chảy vào bể. Còn nguồn nước giếng khoan thì dùng để tắm giặt và các sinh hoạt khác.

Tuy nhiên, với mức độ đô thị hoá nhanh như hiện nay, nhiều gia đình không còn diện tích đất để xây bể nước mưa. Mặt khác, nhiều gia đình cũng không yên tâm vì sợ nguồn nước mưa không đảm bảo. Ông Nguyễn Bách Khoa, Cụm 13 cho rằng: Ngay sát khu dân cư hiện có nhiều nhà máy xí nghiệp gây ô nhiễm môi trường không khí nên cũng không biết chất lượng nước mưa có còn tốt. Hiện tại cũng chưa có cơ quan chức năng nào có kết luận chính thức về việc nguồn nước mưa ở khu vực này đảm bảo cho ăn uống, sinh hoạt. Vài năm nay, chúng tôi rất lo ngại về nguồn nước nhưng chẳng biết kêu ai?

Mặc dù vậy, thực tế không phải gia đình nào cũng có điều kiện để xây được bể nước mưa. Vì thế, phương pháp tối ưu mà nhiều gia đình ở đây lựa chọn là xây bể lọc cát để lọc nước giếng khoan. Tuy nhiên, vì thực tế trên địa bàn chưa có cơ quan nào hướng dẫn cụ thể về phương pháp xây bể lọc cũng như phương pháp lọc nên người dân chủ yếu vẫn lọc theo phương pháp thủ công. Bể lọc được xây hết sức đơn giản: Dưới cùng là sỏi, tạo khoảng trống để thu gom nước, tiếp theo là than hoạt tính để hấp thụ mùi, màu và các loại hóa chất hòa tan, trên cùng là lớp cát vàng. Với cách này, sẽ lọc được lớp váng trên cùng và mùi tanh của sắt. Nhưng họ cũng không thể biết và hình dung hết được là với phương pháp đơn giản như vậy không thể loại bỏ những tạp chất có hại trong nước như amoni và asen. Bằng chứng là gia đình chị Hạnh đem nguồn nước sau khi lọc đi xét nghiệm vẫn thấy tỷ lệ nhiễm asen vượt mức tiêu chuẩn cho phép. Nhưng do trình độ và đời sống còn nhiều khó khăn nên họ tạm chấp nhận với cuộc sống hiện tại. Những gia đình khá giả hơn thì mua bình lọc của các hãng Sơn Hà, Tân Á… hoặc là mua máy lọc nước hiện đại. Những số gia đình ấy chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Chị Nguyễn Thị Hiền cho biết: Có lẽ thời gian tới gia đình chị cũng phải đầu tư máy lọc nước quảng cáo trên ti vi với giá 5 – 7 triệu đồng. Nhưng hiện tại với mức thu nhập như gia đình chị, thì cũng chưa dám nghĩ tới điều đó.

Chị Hiền ao ước: Chúng tôi chỉ mong thành phố quan tâm, đẩy nhanh tiến độ trạm cấp nước Tân Lập sớm đi vào hoạt động để người dân hàng ngày không còn nỗi lo canh cánh vì nguồn nước không đảm bảo. Hiện tại, xã giáp ranh là xã Tây Tựu (huyện Từ Liêm) cũng đã có nước sạch. Vậy thì việc đầu tư trạm cấp nước sạch cho người dân ở đây chắc cũng không phải là điều còn quá khó khăn.

Khát khao có nước sạch là nỗi niềm bấy lâu của người dân Tân Lập. Bởi lẽ, những năm gần đây trên địa bàn xã tỷ lệ người mắc bệnh ung thư ngày càng gia tăng. Liệu nguyên nhân một phần có phải do nguồn nước chưa đảm bảo. Câu trả lời xin nhường lại cho các cơ quan chức năng giải đáp?

 

 (Theo Monre.gov.vn)