Tương lai gần – VN sẽ khan hiếm nước

abNước sạch – nguồn tài nguyên quý giá của con người đang ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm, biến chất. Lượng nước mặt tính bình quân đầu người (tính theo lượng nước sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam) hiện nay khoảng 3.840m3/người/năm, dự báo đến năm 2015 chỉ còn 2.830m3/người/năm. Tương lai gần, VN sẽ khan hiếm nước.

 

Tài nguyên nước có hạn song nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, làm sao quản lý tổng thể để sử dụng hiệu quả là bài toán mà cộng đồng phải chung tay giải.

Tài nguyên bị “lạm dụng”

Ông Martin Junker – Cố vấn trưởng của Dự án Nâng cao năng lực quản lý và đánh giá tài nguyên nước VN – đã gọi tình trạng sử dụng nước bất hợp lý là “lạm dụng tài nguyên nước” tại hội thảo quản lý tổng hợp tài nguyên ở VN và LB Đức vào đầu tháng 11 tại Hà Nội.

Các tổ chức quốc tế về tài nguyên nước đã đưa ra khuyến cáo ngưỡng khai thác được phép tại các quốc gia nên giới hạn phạm vi 30% lượng dòng chảy nhưng tại hầu hết các tỉnh miền trung, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên… đang khai thác hơn 50%. Cá biệt có một số tỉnh như Ninh Thuận đã khai thác tới 70-80% lượng dòng chảy về mùa khô. Khai thác quá mức cho phép đã làm số lượng và chất lượng tài nguyên nước trên các lưu vực sông lớn của Việt Nam như sông Hồng, Thái Bình, Ðồng Nai… suy thoái nghiêm trọng.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng không song hành với công tác bảo vệ môi trường đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn nước.

Rõ thấy nhất là chất lượng nước ba lưu vực sông Cầu, Nhuệ – Ðáy, Ðồng Nai – Sài Gòn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, có những đoạn sông đã “chết” hoàn toàn, nhất là ở các vùng hạ lưu.

Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên – Môi trường), Nguyễn Hoà Bình nêu ví dụ, sức ép lên môi trường nước lưu vực sông Cầu ngày càng lớn do phát triển kinh tế xã hội. Sản phẩm từ công nghiệp, xây dựng ở các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, khai thác khoáng sản ở Bắc Kạn, Thái Nguyên đã dẫn đến tình trạng nước mặt tại các vùng trung lưu của lưu vực sông Cầu đang bị ô nhiễm bởi chất rắn lơ lửng và ô nhiễm cục bộ do dầu mỡ.

Nạn khai thác, đốt rừng bừa bãi gây xói mòn, thoái hoá đất và đồng thời làm cho nguồn nước cạn kiệt, lũ lụt, hạn hán đang có xu thế gia tăng và nghiêm trọng hơn. Hiện nay, nhiều người dân vẫn còn coi nước là “của trời cho”, sử dụng bừa bãi, thiếu ý thức tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước. Khai thác, sử dụng nước dưới đất không hợp lý đã gây ra sụt lún đất, hạ thấp mực nước ngầm ở một số nơi, nhiễm mặn khá phổ biến ở nhiều vùng ven biển, ảnh hưởng tới tầng chứa nước ngọt.

7 thách thức

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên – Môi trường) Lê Hữu Thuần, 7 thách thức đối với tài nguyên nước của Việt Nam là sự phụ thuộc vào các nguồn nước bên ngoài lãnh thổ; phân bố nguồn nước không đồng đều theo không gian và thời gian; gia tăng dân số và phát triển kinh tế xã hội; suy thoái ô nhiễm và cạn kiệt tài nguyên nước do khai thác sử dụng quá mức và không hợp lý các nguồn nước; thiên tai liên quan đến tài nguyên nước; ảnh hưởng do khai thác sử dụng nước ở các quốc gia đầu nguồn; tác động của biến đổi khí hậu.

Cụ thể, hơn 60% tổng lượng nước chảy qua lãnh thổ VN sản sinh từ nước ngoài và trên 70% diện tích lưu vực các hệ thống sông ngòi nằm ở ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Bên cạnh đó, tài nguyên nước phân bố không đều theo thời gian (lượng nước trung bình trong 3-5 tháng mùa lũ chiếm khoảng 70-80%, trong khi 7-9 tháng mùa kiệt chỉ chiếm khoảng 20-30% lượng nước cả năm). Tài nguyên nước cũng phân bố không đều giữa các vùng (trên 60% nguồn nước sông tập trung ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long).

Ông Thuần cảnh báo: “Lượng nước mặt tính bình quân đầu người (tính theo lượng nước sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam) hiện nay khoảng    3.840m3/người/năm, dự báo đến năm 2015 chỉ còn 2.830m3/người/năm. Tương lai gần Việt Nam sẽ trở thành quốc gia khan hiếm nước”.

6.000 tỉ đồng cho 10 năm

Tài nguyên nước có hạn trong khi nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng. Do đó, ngoài việc cấp phép và kiểm tra việc sử dụng nước của các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi, khai thác khoáng sản, các cơ quan quản lý tài nguyên nước cần có nghiên cứu về quy hoạch sử dụng nước.

Chương trình mục tiêu quốc gia Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước đang được xây dựng để trình Chính phủ. Theo Dự thảo “Chương trình mục tiêu quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước”, mục tiêu trong 10 năm tới tiết kiệm từ 8-10% tổng mức sử dụng nước so với dự báo hiện nay về nhu cầu sử dụng nước của các ngành; chủ động ngăn ngừa, hạn chế tình trạng ô nhiễm, hạn hán, thiếu nước trong mùa khô trên 13 lưu vực sông ưu tiên của VN.

Trong 10 năm tới cần tập trung nguồn lực trên cơ sở thực hiện các dự án liên quan đến tài nguyên nước. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện chương trình khoảng 6.000 tỉ đồng, được phân bổ: 60% từ vốn ODA; 30% từ ngân sách trung ương; 5% từ ngân sách địa phương; 5% là đóng góp của các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Khi Chương trình này được phê duyệt, sẽ là cơ sở để các nhà tài trợ quốc tế xây dựng chiến lược đầu tư, tài trợ cho ngành nước ở VN trong 10 năm tới.

Bên cạnh những chiến lược đem lại hiệu quả bền vững, lâu dài cũng rất cần những chương trình cụ thể, áp dụng thực tế để bảo vệ và quản lý tổng hợp tài nguyên nước.

Trưởng phòng Dự báo thuỷ văn Bắc Bộ (Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương) Đặng Ngọc Tĩnh đề xuất, có thể xây dựng các mô hình chia sẻ tài nguyên nước cho lưu vực sông Hồng để làm cơ sở xây dựng các quy trình vận hành liên hồ chứa, chia sẻ tài nguyên nước giữa những đối tượng sử dụng một cách hợp lý.

Theo đó, các hồ chứa thuỷ điện cần bổ sung, sửa đổi quy trình vận hành, điều tiết mùa cạn, trong đó cần tính tới nhu cầu dùng nước của các hộ sử dụng khác như nông nghiệp, giao thông thuỷ, cấp nước sinh hoạt… Các nhà máy thuỷ điện phải cung cấp thường xuyên kế hoạch phát điện, xả nước xuống hạ du cho các cơ quan quản lý nước ở địa phương và Trung ương.


(Theo Hà Linh – Báo Lao động 18/11)