Truy tìm nguyên nhân ô nhiễm nước đầu nguồn sông Hồng

vv104Trước thông tin hiện tượng chất lượng nước sông Hồng thay đổi như nổi váng trắng và có màu đục lạ, nước có mùi hôi các cơ quan chức năng của Bộ TN&MT và tỉnh Lào Cai đã và đang nỗ lực vào cuộc tìm nguyên nhân xác định nguồn gây ô nhiễm.

Nước sông Hồng vẫn an toàn

Từ tháng 3/2012, theo phản ánh của báo chí và người dân sống hai bên bờ sông Hồng tại tỉnh Lào Cai cho biết, nước sông Hồng nổi váng trắng và có màu đục lạ, nước có mùi hôi. Hiện tượng chất lượng nước sông Hồng thay đổi như vậy thường xảy ra vào các tháng mùa khô (từ tháng 2 đến tháng 4) khi mực nước sông Hồng xuống thấp và nhiều đoạn sông bị thu hẹp và cạn nước. Hiện tượng này tương tự hiện tượng xảy ra vào tháng 2, 3/2011. Đặc biệt, dòng nước sông Hồng đoạn chảy qua thành phố Lào Cai có hiện tượng nước cạn và có mùi khác, hôi.

Sau khi nhận đươc thông tin về hiện tượng ô nhiễm nước sông Hồng tại tỉnh Lào Cai, Tổng cục Môi trường đã chỉ đạo Trung tâm Quan trắc môi trường thường xuyên liên hệ và phối hợp với Chi cục  Bảo vệ môi trường, Trung tâm Quan trắc môi trường tỉnh Lào Cai để theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến chất lượng nước sông Hồng tại tỉnh Lào Cai.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Lào Cai, chất lượng nước sông Hồng tại tỉnh Lào Cai chưa có hiện tượng ô nhiễm như năm 2011. Đầu năm 2012, mực nước sông Hồng chảy qua tỉnh Lào Cai xuống rất thấp, nhiều đoạn sông bị trơ đáy. Do tác động của ánh sáng mặt trời, lớp bùn đáy bị phân hủy và bốc mùi hôi. Do vậy, có hiện tượng nhiều đoạn sông bị bốc mùi hôi, thối do phân hủy của lớp bùn đáy này. Đây có thể là một nguyên nhân khiến cho nhiều đoạn sông bốc mùi hôi.

Trước thông tin của Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai về diễn biến bất thường chất lượng nước tại Lũng Pô nước có mùi hôi, nổi nhiều váng, Đoàn công tác liên ngành của tỉnh Lào Cai đã có mặt tại Lũng Pô để xem xét tình hình thực tế. Song tại thời điểm Đoàn công tác có mặt, nước chảy siết, do đó theo cảm quan ban đầu của Đoàn công tác, chất lượng nước sông Hồng tại Lũng Pô bình thường, không còn hiện tượng ô nhiễm. Hiện tại, Trung tâm Quan trắc môi trường đã tiến hành phân tích mẫu nước do Chi cục Bảo vệ môi trường Lào Cai lấy mẫu. Kết quả phân tích tại 4 điểm quan trắc là Khu vực cột mốc 93, nước suối Lũng Pô (trước khi chảy ra sông Hồng), nước sông Hồng đầu nguồn sau khi nước suối Lũng Pô chảy vào và nước sông Hồng cửa trạm quan trắc nước xuyên biên giới do Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Lào Cai quan trắc đều đạt QCVN 08:2008.

Đẩy nhanh tiến độ giám sát chất lượng nước sông Hồng

Theo Tổng cục Môi trường, trong năm 2012, Lãnh đạo Tổng đạo Tổng cục đã phê duyệt kế hoạch triển khai chương trình quan trắc  lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình, sông Đà tại 30 điểm với tần suất 3 lần/năm (tháng 5, 6, 8).

Hiện tại, Trung tâm Quan trắc Môi trường (Tổng cục Môi trường) đang triển khai đợt 1 chương trình quan trắc từ ngày 2/5 – 11/5/2012. Ngày 8/5/2012, Trung tâm đã thực hiện quan trắc tại 4 điểm trên sông Hồng đoạn chảy qua tỉnh Lào Cai là Lũng Pô, Trạm kiểm soát Bản Vược, Trạm thủy văn Lào Cai và Cầu Bảo Hà. Theo kết quả đo nhanh tại hiện trường tại các điểm quan trắc cho thấy, chất lượng nước sông Hồng đều đạt QCVN:2008. Dự kiến, cuối tháng 5/2012, Tổng cục Môi trường sẽ hoàn thành việc phân tích các kết quả trong phòng thí nghiệm.

Để giám sát chất lượng nước sông Hồng tại Lào Cai, Tổng cục Môi trường đề xuất, lãnh đạo Bộ TN&MT chỉ đạo Sở TN&MT tỉnh Lào Cai thường xuyên giám sát chất lượng nước sông Hồng đoạn chảy qua tỉnh Lào Cai đặc biệt vào các tháng mùa khô khi mực nước sông Hồng xuống thấp. Đồng thời, Sở TN&MT phải thường xuyên báo cáo lãnh đạo Tổng cục về tình hình chất lượng nước sông Hồng tại khu vực này. Bên cạnh đó, hàng năm Bộ TN&MT nên dành nguồn kinh phí cho triển khai các chương trình quan trắc do Tổng cục Môi trường thực hiện nhằm giám sát định kỳ chất lượng nước sông Hồng.

 

 

 

 (Theo Monre.gov.vn)