Giới lãnh đạo Trung Quốc thừa nhận đập thủy điện lớn nhất thế giới gây nên hàng loạt vấn đề về môi trường, xã hội và chúng cần được giải quyết nhanh chóng.
AFP đưa tin chính phủ Trung Quốc công bố một thông báo về đập Tam Hiệp sau khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo chủ trì một cuộc họp về tương lai của đập vào ngày 18/4.
“Mặc dù đập Tam Hiệp mang đến nhiều lợi ích to lớn và toàn diện, nó đang tạo ra hàng loạt vấn đề cần được giải quyết khẩn cấp như tái định cư người dân, bảo vệ hệ sinh thái và ngăn chặn những thảm họa địa chất”, tuyên bố nêu rõ.
Tuyên bố nói thêm rằng đập cũng tác động xấu tới giao thông nội thủy ở hạ nguồn sông Dương Tử, cản trở hoạt động tưới tiêu và cung cấp nước, gây hạn hán nghiêm trọng ở 8 tỉnh thuộc lưu vực sông.
Đập Tam Hiệp tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AP.
Hiện tại, hạn hán đang diễn ra tại khu vực hạ lưu sông Dương Tử. Các tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam và Giang Tây đang hứng chịu tình trạng khô hạn đặc biệt nghiêm trọng.
Theo People Daily, mực nước tại các đập nước ở tỉnh Hồ Bắc đang ở dưới mức tối thiểu, khiến người dân không thể tưới tiêu cho đất nông nghiệp. Hai tàu thủy đã mắc cạn tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc do mực nước sông Dương Tử ở đây quá thấp. Chính quyền tỉnh Hồ Bắc đã ra lệnh đóng cửa hơn 200 km đường thủy nội địa mực nước sông Dương Tử không đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền hoạt động.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp ở phía nam tỉnh Hồ Nam tê liệt bởi thời tiết khắc nghiệt, tờ Global Times của Trung Quốc cho hay.
Tại tỉnh Giang Tây, diện tích mặt nước trong hồ Bà Dương giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Bình thường diện tích mặt nước của hồ đạt hơn 4.000 km2, song hiện nay con số đó chỉ còn khoảng 1.326 km2. Giới chuyên gia nhận định thủ phạm gây nên những hiện tượng bất thường trên là đập Tam Hiệp.
Những hiện tượng này được cho là do dự án đập Tam Hiệp đã làm cản trở dòng chảy, khiến nguồn cung cấp nước tại các khu vực lưu vực của đập Tam Hiệp không được đảm bảo.
Đập Tam Hiệp được xây dựng từ năm 1993 để chặn sông Dương Tử, con sông có độ dài lớn thứ ba trên thế giới tại Tam Đẩu Bình, huyện Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc. Đây là đập thủy điện lớn nhất hành tinh và chi phí xây dựng nó có thể lên tới 40 tỉ USD. Đập Tam Hiệp bắt đầu sản xuất điện từ năm 2008.
Chính phủ Trung Quốc từng ca ngợi đập Tam Hiệp là nguồn cung cấp năng lượng sạch khổng lồ và giúp con người “thuần phục” dòng sông dài nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, những người phản đối xây đập cho rằng nó sẽ gây nên nhiều hậu quả về môi trường và xã hội.
Mối quan tâm về ảnh hưởng của con đập đối với địa chất đã tồn tại từ khi dự án mới ra đời. Trong thông báo ngày 18/5, chính phủ Trung Quốc nói họ đã biết một số nguy cơ của đập Tam Hiệp từ trước khi nó được khởi công. Một số vấn đề phát sinh trong quá trình xây dựng.
Khoảng 1,4 triệu người dân Trung Quốc phải rời bỏ nơi sinh sống để nhường chỗ cho dự án xây đập Tam Hiệp và hồ chứa. Nhiều di sản văn hóa đã bị nước nhấn chìm. Do lượng nước trong hồ chứa quá lớn – các nhà khoa học lo ngại lượng nước trong đất quá lớn sẽ khiến lở đất và nhiều hiện tượng địa chất bất thường khác sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Các tổ chức bảo vệ môi trường khẳng định hồ chứa của đập làm giảm chất lượng nước ở hạ nguồn sông Dương Tử.
Vào tháng 8 năm ngoái chính phủ Trung Quốc thừa nhận họ sẽ phải chi vài tỷ USD để khắc phục những hậu quả môi trường dọc sông Dương Tử. Chẳng hạn, những trận mưa rào và lũ lụt trong mùa hè năm 2010 khiến hàng triệu tấn rác đổ xuống sông. Giới truyền thông địa phương nói rằng ở nhiều vị trí trên sông, rác tạo thành những mảng lớn đến nỗi người dân có thể bước trên chúng. Những mảng rác ấy có thể gây nghẽn ở đập.
(Theo Vnexpress.net)