Trung Quốc: Bất cập trong công tác trị thủy

Trị thủyHội nghị Công tác Thủy lợi toàn quốc của Trung Quốc mới đây đã đưa công tác trị thủy lên tầm cao “trị quốc” và đặt các mục tiêu cụ thể giảm và ngăn ngừa thiên tai, bố trí hợp lý tài nguyên nước, trong đó mức đầu tư thủy lợi của toàn xã hội sẽ tăng gấp đôi so với năm 2010.

Theo kế hoạch, lấy mức đầu tư cho thủy lợi của năm 2010 là 200 tỷ NDT để tính thì từ nay về sau, mức đầu tư cho thủy lợi hàng năm ít nhất là trên 400 tỷ NDT. Như vậy trong 10 năm, tổng mức đầu tư sẽ lên tới 4.000 tỷ NDT, một kế hoạch “4.000 tỷ NDT” khổng lồ khác của Trung Quốc. Như vậy sau khi ban hành Văn kiện số 1 hồi đầu năm 2011 về công tác thủy lợi, Chính phủ Trung Quốc lại tiếp tục phát tín hiệu quan trọng về đầu tư cho công tác này. Văn kiện số 1 của Chính phủ chỉ thường thể hiện những vấn đề phát triển quan trọng nhất, cấp bách nhất.

Văn kiện số 1 yêu cầu “dành 10% số tiền thu lợi từ chuyển nhượng đất của chính quyền địa phương để xây dựng thủy lợi nông nghiệp”, điều khoản này được giới chuyên môn coi là biện pháp có nhiều tiền nhất. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Nhiệm Hạo Ninh cho rằng, vấn đề nợ của chính quyền địa phương hiện đang nghiêm trọng. Hơn nữa, nhiệm vụ 3,6 triệu căn nhà xã hội giao cho chính quyền địa phương đã gây khó khăn lớn, giờ lại yêu cầu chính quyền địa phương dành 10% số tiền thu được từ chuyển nhượng đất cho thủy lợi nông nghiệp, sẽ khiến họ nợ nần chồng chất hơn.

Bộ Tài chính dự kiến, tiền thu được từ việc chuyển nhượng đất ở các địa phương trong năm 2011 sẽ đạt khoảng 1.900 tỷ NDT. Theo cách tính giảm trừ 40-50%, số tiền thu được từ việc chuyển nhượng đất sẽ không vượt quá 1.000 tỷ NDT. Nếu lấy thu nhập từ bán đất của năm nay làm tiêu chuẩn, số tiền đầu tư cho thủy lợi trong 10 năm tới sẽ còn thiếu rất nhiều.

Theo Chính phủ Trung Quốc, trong 5 năm tới, sẽ tiến hành gia cố, xử lý ô nhiễm cho 466.400 hồ nước loại nhỏ, trong đó, trước năm 2012 cần gia cố khoảng 5.400 hồ, tổng vốn đầu tư khoảng 24,4 tỷ NDT. Trước năm 2013 cần gia cố, xử lý 15.900 hồ, tổng đầu tư hơn 38.1 tỷ NDT.

Các nhà phân tích thị trường tin rằng, ngoài việc gia cố, làm sạch những hồ nhiễm bẩn và bị bỏ hoang, số tiền đầu tư vào các hạ tầng cơ sở công trình thủy lợi cỡ lớn và vừa là gánh nặng nhất trong số 4.000 tỷ NDT. Nhưng vấn đề thiếu quy hoạch, phát triển bừa bãi vẫn liên tục bị chỉ trích.

Giáo sư Uông Lợi Đạt, cựu Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường Tài nguyên nước, Ủy ban Thủy lợi Trường Giang cho rằng: “Hiện nay, việc xây dựng các trạm thủy điện trên các sông vùng Tây Nam đã quá dày đặc, dường như khiến dòng sông không thở nổi”. Lấy số lượng các trạm thủy điện đang và sẽ xây trên sông Trường Giang làm ví dụ, có 24 đập nước xây trên nhánh chính sông Đại Độ; phần trung và hạ lưu sông Kim Sa có 12 đập; trên sông Gia Lăng có 17 đập, sông Nhã Long có 21 đập; sông Ô Long có 12 đập thủy điện. Trên các nhánh của nhánh sông, hồ chứa dày đặc như sao trên trời”. Cho dù hiện đã có số lượng lớn các trạm thủy điện, song trên sông Kim Sa vẫn có 4 trạm đang được tiến hành xây dựng, dù vẫn đang gây tranh cãi theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”.

Quá trình xây dựng bừa bãi các công trình thủy điện của các tập đoàn lợi ích là mầm mống gây ra những tai họa liên tục, phá hủy hệ sinh thái, địa chất của các con sông.

Chuyên gia Vương Duy Lạc cho rằng: “Lượng phù sa, sỏi đá của các dòng sông tại Trung Quốc rất lớn, xây dựng các hồ khiến cho sỏi đá và phù sa tích tụ bên trong hồ, dùng không được bao lâu hồ sẽ hoàn toàn bị tắc nghẽn. Đây là tác động môi trường nghiêm trọng nhất”.

Có chuyên gia cho rằng, đầu tư 4.000 tỷ NDT trong 10 năm thực sự là không ít so với lượng đầu tư trong 30 năm qua, thậm chí còn vượt tổng mức đầu tư xây dựng thủy lợi của tài chính Trung ương trong 60 năm trước. Nhưng những khoản nợ dài hạn cho xây dựng thủy lợi của Trung Quốc đã quá nhiều mà giải quyết vấn đề nước là vô cùng khó khăn, ngay cả 4.000 tỷ NDT này cũng chưa chắc đã giải quyết tận gốc vấn đề.

Cho dù xây mới và tu sửa thủy lợi có thể hóa giải được vấn đề thủy hoạn nhất thời, song vấn đề sâu xa vẫn cực kỳ nghiêm trọng, đó là thiếu hụt tài nguyên nước và ô nhiễm chất lượng nước.

 (Theo Monre.gov.vn)