Triển khai đồng bộ công tác điều tra cơ bản về tài nguyên nước

Thực hiện Chiến lược Quốc gia về tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai nhiệm vụ quy hoạch, lập quy hoạch tài nguyên nước trên 16 lưu vực sông và vùng kinh tế trọng điểm. Theo đó, Cục Quản lý tài nguyên nước đã triển khai đồng bộ trên tất cả các mặt điều tra cơ bản đánh giá nguồn nước mặt, nguồn nước dưới đất, cũng như tình hình khai thác, sử dụng và xả nước thải vào nguồn nước, lập bản đồ các lưu vực sông.
Nhờ đó, cho đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục lưu vực sông gồm 392 sông liên tỉnh, làm căn cứ để phân công, phân cấp quản lý hợp lý các lưu vực sông. Đồng thời, Bộ cũng đã ban hành danh mục lưu vực trên 3.045 sông nội tỉnh. Đây là cơ sở để hoàn thiện việc thiết lập được danh mục lưu vực sông trên cả nước, bao gồm 3.450 sông, suối lớn nhỏ. Ngoài ra các đề tài, dự án lớn do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đều được Bộ triển khai hiệu quả, điển hình như “Đề án giảm thiểu tác hại của Arsenic trong nguồn nước sinh hoạt ở Việt Nam” được thực hiện trên phạm vi cả nước; “Đề án điều tra đánh giá nguồn nước dưới đất vùng trung du, miền núi Bắc Bộ” thực hiện trên phạm vi 15 tỉnh…
Đặc biệt, kết quả điều tra, đánh giá nguồn nước dưới đất trên vùng biên cương Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang, đã phát hiện được nguồn nước dưới đất có lưu lượng bơm ổn định đạt 314 m3/ngày, qua đó lắp đặt bơm và xây bể chứa giải quyết được tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt cho đồng bào vùng cao nơi đây, góp phần định hướng cho địa phương phát triển kinh tế – xã hội ổn định, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực vùng cao biên giới.
Mặt khác, việc ban hành danh mục 61 hồ chứa thủy điện, thủy lợi lớn trên 11 lưu vực sông phải được vận hành theo quy trình liên hồ chứa, giúp cho việc phối hợp vận hành các hồ đảm bảo các yêu cầu về phòng chống lũ lụt trong mùa mưa, đồng thời điều hòa nguồn nước để cấp nước cho hạ du trong mùa khô hàng năm. Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng quy trình vận hành liên hồ trên lưu vực sông Đồng Nai, sông Hương và sông Mã; đi đôi với tăng cường công tác kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về tài nguyên nước, tập trung chủ yếu vào các công trình thủy điện, xả nước thải vào nguồn nước, việc vận hành của một số công trình thủy điện trong mùa mưa lũ.
Thực hiện điều tra cơ bản về tài nguyên nước, nhiều địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Cao Bằng… đã chú trọng đầu tư kinh phí điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên nước, hiện trạng khai thác, sử dụng, xả thải vào nguồn, lập quy hoạch, xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước trên địa bàn, nhằm quản lý và khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên này theo hướng hiệu quả và tiết kiệm, hạn chế tác động xấu đến môi trường nước.
 
 
 
 
 
(Theo Monre.gov.vn)