Trám lấp giếng hư hỏng, không sử dụng là bảo vệ môi trường sống

Giếng đào của người dân đang sử dụng
Bình Dương, nước dưới đất là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu của người dân và một số doanh nghiệp. Thời gian gần đây, nguồn nước này có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ ở một số nơi, làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống của dân cư.
Các tác nhân gây ô nhiễm và suy thoái nước dưới đất: Ô nhiễm nước có nguồn gốc tự nhiên chủ yếu do mưa bão, lũ lụt đưa vào môi trường nước chất thải bẩn, các sinh vật và vi sinh vật có hại kể cả xác chết. Ô nhiễm nước có nguồn gốc nhân tạo là do quá trình thải các chất độc hại chủ yếu dưới dạng lỏng như các nước thải sinh hoạt, phân rác, xác chết sinh vật, công nghiệp, nông nghiệp vào môi trường nước. Các chất bẩn này sẽ thấm qua các giếng đào, giếng khoan hư hỏng, không sử dụng và dần dần xâm nhập vào các tầng chứa nước.

Theo kết quả điều tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh hiện có khoảng 6.433 giếng hư hỏng, không sử dụng cần trám lấp, trong đó có 1.315 giếng khoan và 5.118 giếng đào. Trong tổng số giếng hư hỏng, không sử dụng trên có 333 giếng thuộc đối tượng hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đã đựơc UBND tỉnh Bình Dương hỗ trợ trám lấp, còn lại 6.100 giếng chưa trám lấp ( 1.249 giếng khoan, 4.851 giếng đào)

Trám lấp giếng hư hỏng là nhằm bảo vệ chất lượng nguồn nước dưới đất

Để thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ tài nguyên nước được cụ thể hóa bởi các Quyết định số 14/2007/QĐ.BTNMT ngày 4/9/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về việc xử lý, trám lấp giếng không sử dụng ; Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT ngày 31/12/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định về việc bảo vệ tài nguyên nước dưới đất và Văn bản số 699/UBND-SX ngày 18/3/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc chủ trì và giao nhiệm vụ phân bổ kinh phí từ Sở Tài nguyên và Môi trường cho 07 huyện, thị. Sở Tài nguyên và Môi trường đã thống kê danh sách các giếng hư hỏng, không sử dụng và gửi đến UBND các xã/phường/thị trấn để niêm yết danh sách. Đồng thời, để cán bộ các xã/phường/thị trấn nắm vững kỹ thuật trám lấp giếng nhằm hướng dẫn cho người dân biết và thực hiện, sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức tập huấn cho cán bộ các xã/phường/thị trấn từ ngày 26/5/2011 đến ngày 1/6/2011 tại 7 huyện/thị trên địa bàn tỉnh và in ấn 10.000 tờ bướm phát cho các hộ dân về hướng dẫn “ Kỹ thuật trám lấp giếng hư hỏng, không sử dụng”

Thực hiện trám lấp giếng hư hỏng là nhằm giảm thiểu những tác hại gây ô nhiễm cho nguồn nước dưới đất giúp môi trường sống của người dân ngày càng được nâng cao. Trám lấp giếng hư hỏng là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình và mỗi tổ dân phố, …Thực hiện tốt việc trám lấp giếng hư hỏng là thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là một trong những tiêu chuẩn để xét gia đình văn hóa ở địa phương được thực hiện hàng năm.

(Theo stnmt.binhduong.gov.vn)