Trà giang – dòng sông trơ đáy

tt942Gần 15 năm nay, sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) đã bị sa mạc hoá. “Trà giang thu nguyệt” nổi tiếng trong thơ Cao Bá Quát nay là dòng sông chết. Phong vị của một vùng đất qua con don, con cá bống và hình ảnh đầy mỹ cảm của bờ xe nước sông Trà cũng chết đi, để lại một khoảng trống không gì bù đắp nổi.

 

Kỳ 1: Ký ức bờ xe nước

 

ôn Trường Xuân, xã Tịnh Hà nằm mé trên cầu Trà Khúc. Trong quá khứ, hình ảnh thơ mộng nhất của bờ xe nước sông Trà được ghi nhận ở đây. Bây giờ, phố mới ở bờ bắc đã tới Trường Xuân. Nơi những bánh xe quay đều ngày xưa chỉ là một vệt lau lách hiu quạnh. Khi một thứ bình thường trong đời sống một ngày không còn nữa, người ta mới chợt nhận ra sự mất mát. Nếu ai hỏi có gì bù đắp sự mất đi của bờ xe nước, người Quảng Ngãi sẽ nói không!

 

Ông trùm xe nước cuối cùng

 

Khi chúng tôi tìm ra nhà ông trùm Ân thì gặp đám ma ông trọn Thiết trước ngõ. Buổi chiều buồn trong tiếng thanh la, xập xoã não nề. Ông trùm xe nước cuối cùng ở Trường Xuân bây giờ không còn đủ sức bước chục bước chân ra ngõ tiễn biệt đồng nghiệp của mình về với đất. Ngồi trong hiên nhà, trùm Ân dỏng tai lên nghe tiếng khóc than thương tiếc. “Tôi từ cấp rẽ, lên tới cấp trọn, rồi đến cấp trùm phải mất 60 năm. Những người như trọn Thiết phải có kinh nghiệm làm rẽ trên 20 năm” – trùm Ân hồi tưởng. Trọn Thiết là một trong những người làm bờ xe để đưa nước về cánh đồng Hoà Khê của Sơn Tịnh. Năm 1980 dân Quảng Ngãi được đưa đi làm kinh tế mới trên Tây Nguyên, chính quyền cho vời ông trọn Thiết theo. Trên cánh đồng buôn Triết, lần đầu tiên những người dân Ê-đê nhìn thấy bờ xe nước bên dòng Krông Ana hùng vĩ. Lúc bờ xe nước hết thời, ông trọn Thiết trở về quê, vào chùa đi tu và qua đời ở tuổi 82.

Dưới triều Nguyễn, khi Phạm Phú Thứ đi sứ Ai Cập, ông đã vẽ lại thiết kế kỹ thuật của guồng quay nước sông Nile mang về thí điểm ở Quảng Nam tại Gò Nổi. Đó chỉ là một bánh xe đơn giống cọn nước phía bắc có nguồn gốc từ Trung Hoa. Không biết ai, khi nào đã sáng chế nên bờ xe nước nhưng chắc chắn đó là những người nông dân bên sông Trà Khúc. Một bờ xe được làm từ 7, 8, 9 và 10 guồng quay đơn ghép lại bằng kỹ thuật phức tạp hơn nhiều guồng quay sông Nile, dưới vai trò “tổng công trình sư” của ông trùm. Dù đã gần 90 tuổi, nhưng ông trùm Ân vẫn còn nhớ như in những ngày đẹp đẽ. Hàng năm, 20.2 âm lịch cho xe xuống nước, mùng 10.8 dọn lên…

Năm 1960, trên dòng sông Trà có 110 bờ xe quay nước. Mỗi xe trung bình tưới cho 20 hecta. Những buổi chiều xuân đi dọc sông Trà, nghe tiếng nước reo như tiếng đàn trong gió. Chỉ là một công trình dẫn thuỷ nhập điền, bờ xe quay nước đã đi vào lòng người với rất nhiều mỹ cảm, trở thành biểu tượng quê hương. Rồi một ngày, bờ xe quay nước biến mất. Nhiều người quả quyết, năm 1997, khi thuỷ lợi Thạch Nham hoàn thành, dẫn nguồn nước tưới cho hơn 30.000 hecta lúa và hoa màu trong khu vực, bờ xe chấm dứt nhiệm vụ lịch sử. Những hình ảnh thơ mộng cuối cùng của dòng sông Trà chỉ còn lại trong kho tư liệu của nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Trinh. Những ông trùm, ông trọn cuối cùng tôi may mắn gặp được, ngấp nghé ở cõi người hiền. Bờ xe quay nước sông Trà và khúc nhạc đồng quê đã thành quá khứ…

 

Mai này có còn don?

 

Khách lần đầu tới Quảng Ngãi hay thắc mắc: don là gì? Đó là món ăn mang đậm phong vị từ loài nhuyễn thể đặc trưng dưới đáy sông Trà.

Chúng tôi xuôi sông Trà về làng Vĩnh Thọ, thủ phủ của nghề cào don. Vĩnh Thọ thuộc xã Nghĩa Phú, cách phố cổ Thu Xà 7km, nằm dưới dãy núi Phú Thọ có danh thắng Cổ Luỹ Cô Thôn. Khoảng 8 giờ, những người cào don trong làng lục tục vác dầm ra bến. Những chiếc ghe nhỏ lần lượt xuôi dòng. Cả đoàn nón lá hối hả nối nhau sang mé sông ở Sơn Tịnh. “Mỏ don ở đây có quanh năm, nước lụt về thì ít hơn một chút.” – anh Phạm Văn Xin nói. Ghe vừa tới nơi, anh Xin lấy một điếu thuốc ra hút, xong neo ghe, nhảy ùm xuống sông bỏ cào ra. Cái nghề nặng nhọc này chỉ có đàn ông mới kham nổi. Quàng cái đai cào lên cổ, anh bắt đầu đi thụt lùi một đường chừng bốn sào ghe thì dừng lại trút cào. Nắng bắt đầu lên cao, những người khác trong làng cũng đã đến tập trung thành một bãi san sát nón lá trên sông. Thời cao điểm, mỏ don có hơn hai trăm người làm nghề hàng ngày. Chỉ riêng làng Vĩnh Thọ đã có tới gần một trăm gia đình chuyên nghề cào don. Don từ Vĩnh Thọ đi lên thành phố Quảng Ngãi, vào Nha Trang, Sài Gòn… nuôi sống gia đình, nuôi con ăn học. Một ngày “thụt lùi”, trung bình kiếm được từ 100.000 đến 150.000 đồng. Buổi trưa, những người cào don dầm mình dưới nước, cắn cơm nguội trên thuyền.

Khi chúng tôi theo thuyền trở lại bến don làng Vĩnh Thọ, đã thấy một nhóm người đi xe hơi xuống chờ ở đây. Quán don bà Cửu nằm cách bến vài chục bước chân chỉ là một quán nghèo heo hút. Những bộ bàn ghế gỗ cũ kỹ, chiếc đực chiếc cái ám đầy khói. Nhóm khách sang trọng ngồi bệt cả trên thềm, mở rượu tây cụng ly rồi xì xụp húp. Đó là những người Quảng Ngãi rời quê vào làm ăn sinh sống ở Sài Gòn. Đôi khi, trong đời người, ta chỉ nhớ tới những món ăn quê mùa, những kỷ niệm đơn giản mà phải cất công đi tìm.

Bà Cửu nay đã 78 tuổi, có thâm niên 56 năm làm nghề bán don ở Vĩnh Thọ. Hơn nửa thế kỷ, ngày nào bà Cửu cũng dậy từ sớm đãi don để nấu. Đầu giờ chiều, don đổ vào một đầu ui, đầu kia ủ nước don lồng vào quang gánh đi bán khắp vùng Tư Nghĩa. Bây giờ đã già, đôi vai và bàn chân không kham nổi gánh nặng đường xa, bà mới mở quán tại nhà. Chín người con của bà Cửu lớn lên nhờ cặp ui tần tảo bây giờ nên gia nên thất đàng hoàng.

Ông Cao Hồng Cẩm, con trai đầu của bà là đại lý thu mua don lớn nhất Quảng Ngãi, tự hào: “Don ở Vĩnh Thọ màu vàng ươm, nước don vàng trong như hổ phách là thứ don ngon nhất sông Trà.”. Hai năm trước đây, nhà máy cồn Quảng Ngãi xả nước thải ra sông gây nên thảm hoạ kinh hoàng cho làng nghề don. Phải mất hai năm sau mỏ don mới phục hồi nhưng ít hẳn đi. Trong cái quán nghèo liêu xiêu nắng quái, bà Cửu cười buồn: “Tôi không biết mai này có còn don không? Ngày tết mà thiếu món này người làng ở đây buồn lắm!”. Đôi bàn tay già nua nhăn nheo của người hơn nửa thế kỷ bán don bẻ bánh tráng bỏ vào tô như một nghệ sĩ. “Tô don rất ngon!”, bà nói. Mấy đứa thanh niên tối uống rượu say bước không nổi chạy vô quán húp một tô don là đứng lên đi về tỉnh bơ…

 

(Theo Monre.gov.vn)