TP.HCM: Quản lý tốt nguồn nước – Nhiệm vụ cấp bách

tt577Ngập nước trong mùa mưa và thiếu nước hoặc nước bị nhiễm mặn trong mùa nắng đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của một bộ phận không nhỏ người dân TPHCM. Tình trạng này lại đang ngày một trầm trọng hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Giải quyết vấn đề này như thế nào đang được Sở Tài nguyên – Môi trường với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước nghiên cứu. Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc chuyên trách lĩnh vực này của Sở Tài nguyên – Môi trường, cho biết, trước mắt sở sẽ cho lập lại bản đồ phân vùng cấm khai thác và vùng có thể cho khai thác nước ngầm để bảo vệ nguồn nước ngầm cho thành phố. Bên cạnh đó, cùng với Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM, Sở Tài nguyên – Môi trường sẽ xúc tiến việc xây dựng hồ điều tiết nước. Từ nhiều năm qua, việc xây dựng hồ điều tiết nước đã được xác định trong Quy hoạch thoát nước (mưa) của TPHCM đến năm 2020 nhưng trên thực tế gần như chưa có hồ điều tiết nào được xây dựng. Việc này có nhiều lý do song một trong những lý do quan trọng nhất là… thiếu quỹ đất.

Là một cơ quan quản lý tài nguyên nước đồng thời cũng là một cơ quan có trách nhiệm quản lý nguồn tài nguyên đất của TPHCM, Sở Tài nguyên – Môi trường sẽ cùng với Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM khắc phục khó khăn này, ông Nguyễn Văn Hồng khẳng định. Hồ điều tiết sẽ trữ nước vào mùa mưa, giúp chống ngập và cung cấp nước vào mùa nắng giúp giải quyết việc thiếu hụt nguồn nước trong mùa khô hạn. Ở nhiều quốc gia tiên tiến, người dân còn được khuyến khích xây dựng hồ chứa nước mưa trong nhà để dùng cho các nhu cầu tưới cây, rửa xe… nhằm bớt phải sử dụng nước sạch, bớt gánh nặng phải xử lý nước sạch cho ngân sách. Với tính năng trữ nước trong mùa mưa, các hồ trong nhà dân cũng có thể giúp thành phố chống ngập. Trong những khu vực dân cư mới của TPHCM – nơi đất còn rộng thì có thể nghiên cứu khuyến khích người dân xây hồ trữ nước mưa.

“Nạo vét, khai thông kênh, mương, bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Đồng Nai cũng sẽ là một trong những nhiệm vụ quan trọng sắp tới của Sở Tài nguyên – Môi trường cùng các cơ quan liên quan” – ông Nguyễn Văn Hồng khẳng định. Trên tinh thần này, Sở Tài nguyên – Môi trường sẽ báo cáo UBND TPHCM và Bộ Tài nguyên – Môi trường về những góp ý của một số nhà khoa học cho rằng mô hình tổ chức của Ủy ban Bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai là không phù hợp với thực tiễn. Dù ủy ban này đã ra đời hơn 2 năm nhưng tình hình ô nhiễm lưu vực sông Đồng Nai vẫn không hề được cải thiện là bao. Một trong những nguyên nhân chính của vấn đề này, theo một số nhà khoa học là do đa phần lãnh đạo trong ủy ban đều là cán bộ kiêm nhiệm, không đủ thời gian làm công việc của ủy ban.

(Theo SƠN LAM – sggp.org.vn)