TỔNG KẾT LIÊN HOAN PHIM MÔI TRƯỜNG TOÀN QUỐC LẦN THỨ 4: 21 TÁC PHẨM ĐƯỢC TRAO GIẢI

Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai trao tặng giải thưởng Việt Nam xanh cho tác giả Lê Hoài Phương
Chiều ngày 29/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức Lễ tổng kết và trao giải thưởng Liên hoan phim môi trường toàn quốc lần thứ tư năm 2010.

Phát biểu tại Lễ trao giải, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai – Trưởng Ban tổ chức nhấn mạnh, Bộ TN&MT luôn coi hoạt động truyền thông môi trường thông qua kênh Điện ảnh và Truyền hình là người bạn đồng hành trong công cuộc bảo vệ môi trường và thực sự đã góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ môi trường trong giai đoạn CNH, HĐH đất nước.

 

Theo thống kê của ban tổ chức, liên hoan phim lần này có 131 tác phẩm dự thi trong đó có 70 phim phóng sự; 35 phim tài liệu; 18 phim khoa học; 4 phim hoạt hình và 4 phim truyện chủ đề môi trường. Đây cũng là kỳ liên hoan có số lượng tác phẩm gửi tham dự nhiều nhất và có nhiều đơn vị tham gia nhất so với các kỳ liên hoan phim từ trước tới nay.

 

Các tác phẩm dự thi lần này rất phong phú về nôi dung và đa dạng về thể loại, đề cập đến các vấn đề môi trường cấp bách cần quan tâm giải quyết như ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường khu công nghiệp, khu đông dân cư,… Nhiều phim thực sự là tiếng chuôn cảnh tỉnh đối với các hành vi, tệ nạn chặt phá rừng, phá hủy các dòng sông, hủy diệt môi trường sống của các loài sinh vật thủy sinh làm mất đa dạng sinh học,… đồng thời, có nhiều phim ca ngợi những tổ chức, cá nhân quan tâm bảo vệ môi trường, đi đầu trong công tác đấu tranh chống các biểu hiện xấu và việc làm gây ô nhiễm môi trường.

 

Tác phẩm “Tội ác rừng xanh” thuộc thể loại phim tài liệu của đạo diễn Lê Hoài Phương được trao giải Việt Nam xanh. Đồng thời, Ban tổ chức cũng đã trao 04 giải nhất, 06 giải nhì, 05 giải ba, 05 giải khuyến khích cho các tác phẩm dự thi.
Nói về cảm xúc khi được giải cao nhất, đạo diễn lê Hoài Phương cho biết: Mỗi người cần có trách nhiệm với mình, với cộng đồng. Qua bộ phim “Tội ác rừng xanh” tôi muốn nói rằng, những người săn bắt động vật rừng là một thực tế tồn tại, hầu hết họ đều xuất phát từ nghèo khó vì mưu sinh cuộc sống nên họ phải săn bắt thú rừng nhưng phải thừa nhận rằng họ rất hiểu về động vật rừng. Vậy, làm thế nào để quy tụ họ lại, giáo dục và tạo điều kiện để chính họ là người “trồng rừng” theo như tinh thần Nghị Quyết của Bộ Chính trị về xã hội hóa công tác bảo vệ rừng. Phải làm cái gì đó trước khi đông vật rừng biến mất!
(Theo DWRM)