Chủ đề của Ngày Nước thế giới năm 2011 là: “Nước cho phát triển đô thị”. Mục tiêu của Ngày Nước thế giới năm nay nhằm tập trung sự chú ý của quốc tế vào các thách thức và sức ép ngày càng gia tăng tới nguồn nước từ quá trình đô thị hóa phát triển công nghiệp, những bất ổn do biến đổi khí hậu, thiên tai và các mâu thuẫn, thậm chí tranh chấp giữa các đối tượng sử dụng nước ở đô thị.
Trên thế giới, dự báo trong vòng hai thập kỉ tới, gần 60% dân số thế giới- khoảng 5 tỷ người sẽ trở thành cư dân dô thị. Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh nhất tại các nước đang phát triển, nơi mà cứ mỗi tháng lại có thêm 5 triệu người đến sinh sống tại các đô thị.
Trong thập kỉ tiếp theo, 95% tăng trưởng dân số đô thị sẽ tập trung ở các nước đang phát triển. Có thể thấy, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, dân số sinh sống tại các đô thị trên toàn thế giới đã đạt đến con số kỉ lục: 3,3 tỷ người. Quá trình đô thị hóa vẫn không ngừng phát triển tại hầu hết các quốc gia trong khi nước cho phát triển đô thị chưa được quan tâm đúng mức. Nhu cầu cấp thoát nước cho các đô thị đã trở thành vấn đề cấp thiết do nguồn nước bị suy giảm, mực nước sông hạ thấp, nhiều hồ, ao, kênh, mương bị san lấp…
Tại Việt Nam, sự gia tăng dân số dẫn đến nhu cầu nước tăng. Cụ thể là: Năm 2010 dân số Hà Nội đạt 6 đến 7 triệu, thành phố Hồ Chí Minh 7 đến 8 triệu, lượng nước sử dụng tăng lên 120 thậm chí 200 đến 250 lít/ngày. Tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến tình trạng suy thoái nguồn nước dưới đất do các hoạt động khoan thăm dò, khảo sát, xây dựng công trình, san lấp ao hồ, gia tăng chất thải ô nhiễm, thiếu đất quy hoạch các khu vực phòng hộ vệ sinh… Trong khi đó, vấn đề quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội chưa có sự lồng ghép với quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai cho biết: “Việt Nam chúng ta nằm ở hạ lưu các nguồn nước lớn và 2/3 nguồn nước của Việt Nam nằm ở nước ngoài. Các nước ở thượng du đang gia tăng sử dụng nước nên lượng nước về Việt Nam ngày một khan hiếm đi. Dân số chúng ta gia tăng, hoạt động sản xuất của chúng ta gia tăng dẫn đến nhu cầu nước tăng lên rất nhiều. Nếu chúng ta không có ý thức sử dụng nước một cách tiết kiệm thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ phải đương đầu với thiếu nước trong tương lai. Đã đến lúc chúng ta phải đặt vấn đề cần đảm bảo vấn đề an ninh nguồn nước trong tương lai”.
Thông điệp mà Bộ Tài nguyên Môi trường cũng như Liên Hiệp Quốc muốn chuyển tải tới các quốc gia cũng như cộng đồng dân cư là trong việc phát triển đô thị phải chú ý lồng ghép đến yếu tố tài nguyên nước trong quá trình đô thị hóa. Có nghĩa là phải chú ý đến khả năng của nguồn nước đáp úng các hoạt động sinh hoạt của đô thị, đồng thời phải bảo vệ tài nguyên quý giá này.