Tăng cường hợp tác sâu rộng và bền vững giữa các quốc gia ASEAN+3 trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

DSC_3725_resize

Nối tiếp thành công của Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 và Hội nghị các nước thành viên tham gia Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới lần thứ 11, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng môi trường ASEAN+3 lần thứ 14 vào chiều ngày 29/10 tại Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Nguyễn Minh Quang chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các Bộ trưởng, Quan chức cao cấp từ 10 nước thành viên ASEAN, các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ban thư ký ASEAN. Đoàn nước chủ nhà Việt Nam do Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà làm Trưởng đoàn.

Hợp tác ASEAN+3 về môi trường đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận

_MG_3598_resize

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, trong những thập kỷ vừa qua, bảo vệ môi trường đã trở thành một trong những lĩnh vực hợp tác ưu tiên giữa các nước thành viên ASEAN. Nhiều hoạt động về trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường năng lực quốc gia và khu vực đối với các vấn đề biến đổi khí hậu, ô nhiễm và suy thoái môi trường đã và đang được triển khai.

Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3 lần thứ 17 được tổ chức vào ngày 13/11/2014 tại Myanmar, các nhà Lãnh đạo ASEAN đã thống nhất về sự cần thiết phải tăng cường hợp tác hơn nữa để thúc đẩy bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Sự hợp tác sẽ không chỉ giới hạn trong số các nước thành viên ASEAN mà cần được mở rộng với sự tham gia của các quốc gia nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác trong khu vực.

Trong thời gian qua, hợp tác ASEAN+3 về môi trường đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhiều sáng kiến được đề xuất từ CHND Trung Hoa, Nhật Bản và Hàn Quốc đã góp phần quan trọng nhằm tăng cường hợp tác về môi trường giữa các nước thành viên như: xây dựng Chiến lược hợp tác môi trường ASEAN-Trung Quốc giai đoạn 2016-2020; Khung hợp tác ASEAN-Trung Quốc về Công nghệ thân thiện môi trường; Chương trình các thành phố kiểu mẫu bền vững về môi trường ASEAN do Nhật Bản khởi xướng; sự giúp đỡ to lớn từ phía Hàn Quốc thông qua các dự án về Phục hồi hệ sinh thái rừng bị suy thoái tại các vùng nhiệt đới ở khu vực ASEAN và dự án về Tăng cường năng lực đối với kiểm kê, bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực ASEAN.

Trung Quốc đánh giá cao và mong muốn tiếp tục ủng hộ hợp tác ASEAN+3 về môi trường, cùng nhau hướng tới phát triển bền vững.

_MG_3638_resize

Luôn coi trọng và quan tâm tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững như một vấn đề chiến lược, Trung Quốc đã xây dựng nền văn minh sinh thái, coi bảo vệ môi trường là bảo vệ đời sống nhân dân, từ đó công tác bảo vệ môi trường đạt nhiều tiến bộ tích cực. Trung Quốc có nhiều chính sách nhằm thúc đẩy quản lý toàn diện nguồn nước, quản lý chất lượng môi trường đất đai, kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, nước; chú trọng phát triển cân bằng giữa kinh tế – xã hội và môi trường như tăng cường đầu tư vào bảo vệ môi trường như một nhân tố phát triển kinh tế, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh; thúc đẩy bảo vệ hệ sinh thái và cải thiện môi trường nông thôn, có chiến lược bảo vệ đa dạng sinh học; cải thiện hệ thống chính sách, cơ chế như thông qua Luật về bảo vệ môi trường mới, trong đó, chú trọng ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, đất đai; khuyến khích người dân tham gia vào công tác bảo vệ môi trường, minh bạch thông tin về nguồn gây ô nhiễm môi trường, các chất gây ô nhiễm,… Trung Quốc luôn đánh giá cao và mong muốn tiếp tục hợp tác với ASEAN về môi trường đảm bảo phát triển bền vững khu vực và toàn thế giới, tạo nên tương lai tươi sáng hơn.

Nhật Bản đánh giá cao việc hình thành cộng đồng ASEAN 2015 để tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu

_MG_3658_resize

Cuối tháng 9/2015, Liên Hợp Quốc đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững; đồng thời, cuối năm 2015, Hội nghị về biến đổi khí hậu sẽ được tổ chức tại Paris, Pháp và sẽ cùng thỏa thuận Hiệp định của thế giới về biến đổi khí hậu trước và sau năm 2020. Trong bối cảnh đó, Nhật Bản hoan nghênh đóng góp tích cực của các nước thành viên ASEAN để hình thành Hiệp định. Tuy nhiên, cần có những bước đi cụ thể nhằm tăng cường hợp tác quốc tế về môi trường, tiến tới một xã hội các bon thấp, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Nhật Bản cũng mong muốn có cơ chế tín dụng chung để tạo ra các công nghệ không sử dụng các bon, nhằm giảm khí nhà kính, phát triển các thành phố bền vững về môi trường,… Trong thời gian tới, Nhật Bản mong muốn hợp tác hiệu quả hơn nữa trong ASEAN +3, cùng nhau bảo vệ môi trường trong khu vực Đông Á.

Hàn Quốc khẳng định hợp tác giữa ASEAN và Hàn Quốc ngày càng phát triển, mở rộng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác về môi trường

_MG_3682_resize

Quan hệ hợp tác được tăng cường thông qua nhiều hoạt động, dự án như phục hồi hệ sinh thái rừng bị suy thoái tại các vùng nhiệt đới các nước ASEAN, tăng cường năng lực kiểm kê đa dạng sinh học; hợp tác giáo dục về phát triển bền vững,… Từ năm 2015, hầu hết các quốc gia đều chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, vì vậy Hàn Quốc mong muốn sớm thông qua Công ước về Đa dạng sinh học Châu Á. Bên cạnh đó, trong Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững của Liên Hợp quốc đã thông qua 17 mục tiêu phát triển bền vững cho 15 năm tới, Hàn Quốc mong muốn ASEAN và 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong tương lai để cùng tham gia nỗ lực phát triển bền vững toàn cầu.

Tăng cường mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các nước ASEAN+3 trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

Thế giới đang thay đổi và đặt ra những yêu cầu mới đối với tất cả các quốc gia. Tại Việt Nam cũng như tại các quốc gia ASEAN, những mặt trái của đô thị hóa, công nghiệp hóa và khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên vẫn là vấn đề nóng hổi, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.Thêm vào đó, yêu cầu đối với mỗi nước là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm hài hòa hóa mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường cũng như đầu tư cải thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng và năng lượng xanh, tăng cường nhận thức về môi trường vẫn luôn được coi là các giải pháp chính, quan trọng và mang tính dài hạn. Người dân phải được tăng cường nhận thức về bảo vệ môi trường, hình thành thói quen thân thiện với môi trường và xây dựng văn hóa môi trường để góp phần đạt được mục tiêu chung, giấc mơ chung về một hành tinh xanh và sạch.

Doan_Viet_Nam

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN+3 lần thứ 14 được diễn ra trong bối cảnh hàng loạt các vấn đề nghiêm trọng gây ra do biến đổi khí hậu, ô nhiễm và suy thoái môi trường đang trở nên rõ ràng hơn trong khu vực. Để tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác và đưa ra các hoạt động cụ thể cần phải thực thi trong thời gian sắp tới, tại Hội nghị Bộ trưởng môi trường ASEAN lần thứ 13, các Bộ trưởng môi trường ASEAN đã nhất trí thông qua Tuyên bố Chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu và bền vững môi trường ASEAN sau năm 2015.

Để thực hiện tốt Tuyên bố này, các nước thành viên ASEAN rất cần sự hỗ trợ từ phía các nước khác, đặc biệt là CHND Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, là những nước đã góp phần đáng kể để ASEAN có thể giải quyết các thách thức môi trường trong khu vực. Những vấn đề môi trường ngày càng đòi hỏi các quốc gia phải dành sự quan tâm nhiều hơn nữa để đưa ra các hành động chung nhằm giảm thiểu các tác động, đồng thời tăng cường mối quan hệ hợp tác chặt chẽ về môi trường giữa các nước ASEAN+3, đặc biệt là có những hành động khẩn cấp để giải quyết các vấn đề mới nổi hiện nay trong khu vực.

“Do đó, chúng tôi kêu gọi sự chung tay của các nước trong việc tăng cường chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua hàng loạt các hành động khác nhau, góp phần đạt được mục tiêu Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015.” – Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh.

toan_canh

Thảo luận tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã đánh giá các chương trình hợp tác với các nước đối thoại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, cụ thể là chương trình các nhà lãnh đạo ASEAN+3 lần thứ 8 về sản xuất và tiêu dùng bền vững, thực hiện các hướng dẫn chiến lược quản lý tổng hợp tài nguyên nước ASEAN. Đối với hợp tác ASEAN-Trung Quốc: Tổng hợp và đánh giá tình hình thực hiện chiến lược hợp tác ASEAN-Trung Quốc về môi trường; Xây dựng chiến lược hợp tác ASEAN-Trung Quốc về môi trường 2016-2020. Đối với hợp tác ASEAN –Nhật Bản: Triển khai Chương trình hợp tác các thành phố kiểu mẫu bền vững về môi trường (năm thứ 2) và các hỗ trợ tiếp theo đối với các thành phố bền vững về môi trường (Nhật Bản); Triển khai dự án Tăng cường năng lực phân loại về rêu, dương xỉ và các loài côn trùng quan trọng có giá trị kinh tế (Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN); Triển khai dự án Phát triển các vườn Di sản ASEAN thông qua tăng cường năng lực và chia sẻ thông tin (Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN). Đối với hợp tác ASEAN-Hàn Quốc: Triển khai dự án hợp tác ASEAN-Hàn Quốc về phục hồi hệ sinh thái rừng bị suy thoái tại các vùng nhiệt đới của ASEAN; Triển khai dự án Kiểm kê đa dạng sinh học tại khu vực ASEAN; Triển khai việc hợp tác Giáo dục về phát triển bền vững.

Hội nghị Bộ trưởng môi trường ASEAN+3 lần thứ 14 cũng thảo luận đề ra nhiều sáng kiến về bảo vệ môi trường, hướng tới sự hợp tác sâu rộng và bền vững hơn giữa các quốc gia ASEAN+3 trong tương lai.

(Theo monre.gov.vn)