Tìm nguồn nước cho vùng khó

khoi_nguon_nuoc_quy_tai_Meo_Vac

Cùng với việc quy hoạch, điều tra, tìm kiếm, bảo vệ nguồn nước tại các khu đô thị lớn, vùng đồng bằng, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia luôn trăn trở với công tác điều tra, tìm kiếm nguồn nước tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khan hiếm nước, vùng hải đảo xa xôi, vùng biên cương của Tổ quốc. Cho đến nay, Trung tâm đã thực hiện điều tra, tìm kiếm nguồn nước tại hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, từ các tỉnh miền núi, vùng cao phía Bắc đến vùng đăc biệt khó khăn miền Trung, cho đến các tỉnh vùng sâu Nam Bộ, vùng biên giới Tây Nam đất nước.

Khơi nguồn nước quý tại vùng cao

Trong thời gian qua, việc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã tiến hành điều tra, đánh giá nguồn nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Hà Giang, một tỉnh vùng cao biên giới được đánh giá là hoạt động vô cùng ý nghĩa, góp phần không nhỏ trong việc ổn định đời sống dân sinh toàn tỉnh Hà Giang.

Trung tâm đã thực hiện 08 dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất trên 1.000 kmphân theo 16 khu vực trên toàn tỉnh Hà Giang, tìm ra khoảng 85 lỗ khoan có nước với nhiều lỗ khoan có lưu lượng nước cao, thu được kết quả tổng trữ lượng nước gần 1,7 triệu m3/ngày đêm, có khả năng đáp ứng nhu cầu về nước cho gần 74 vạn người dân trong tỉnh. Đồng thời, Trung tâm đã khoan khảo sát, đánh giá nguồn nước ngầm trên địa bàn tỉnh Hà Giang với tổng số gần 90 lỗ khoan. Trong đó, riêng 04 huyện vùng cao núi đá, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia đã phát hiện được khoảng 48 lỗ khoan có nước, có lưu lượng > 0,5 l/s. Với đặc điểm địa hình và địa chất của tỉnh Hà Giang, việc điều tra, tìm kiếm nguồn nước là vô cùng gian nan, khó khăn. Đặc thù như 04 huyện vùng cao khu vực cao nguyên đá Đồng Văn, toàn bộ diện tích hầu hết là những dãy núi đá tai mèo lởm chởm, địa hình cheo leo, hiểm trở, việc đi lại đã vô cùng khó khăn, công tác điều tra, khoan thăm dò, tìm kiếm nguồn nước tại đây lại càng gian nan gấp ngàn lần.

Thấu hiểu nỗi thống khổ của đồng bào nơi đây khi phải vất vả đi tìm nguồn nước cho sinh hoạt, nước dường như là thứ quý giá nhất, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia đã dày công nghiên cứu, đã tìm ra được nhiều nguồn nước quý từ sâu trong lòng đất và xây dựng các công trình khai dẫn nguồn nước, có khả năng đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất cho toàn vùng cao nguyên đá Đồng Văn, gần 250 nghìn người dân tại 4 huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Giang.

Đặc biệt, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã phát hiện mỏ nước ngầm với lưu lượng khoảng 1.500 m3/ngày đêm tại thị trấn Mèo Vạc thuộc khu vực cao nguyên đá Đồng Văn ở độ cao 1000 – 1500m so với mực nước biển, đó là bước đột phá trong tìm kiếm nguồn nước trên cao nguyên đá Đồng Văn và trở thành một trong 10 sự kiện nổi bật của ngành Tài nguyên và Môi trường trong năm 2012. Những kết quả mà Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã đạt được trong hành trình đem nguồn nước đến với đồng bào vùng cao nói riêng, toàn tỉnh Hà Giang nói chung đã mang lại sự khởi sắc, một sức sống mới cho vùng cao nguyên đá, góp phần ổn định dân sinh, giúp đồng bào yên tâm bám đất, bám cao nguyên và bảo vệ toàn vẹn vùng biên cương của tổ quốc.

Lo_khoan_S324

Tìm nước cho những vùng đặc biệt khan hiếm nước

Không chỉ trăn trở đem nước sạch đến với đồng bào vùng cao phía Bắc, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia còn điều tra, tìm kiếm nguồn nước tại các vùng đặc biệt khan hiếm nước, vùng hải đảo xa xôi, vùng biên cương Tây Nam của Tổ quốc.

Tại đảo Cô Tô (Quảng Ninh), một huyện đảo nằm xa đất liền, xung quanh được bao bọc bởi nước biển, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia đã tìm ra được 9 lỗ khoan trên đảo có khả năng đem lại nguồn nước với trữ lượng khá dồi dào, đặc biệt có 3 lỗ khoan đã được khai dẫn với lưu lượng nước cao 200 m3/ ngày, đáp ứng đủ nhu cầu về nước cho tất cả người dân trên đảo, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng biển đảo của Tổ quốc.

Còn tại các vùng đặc biệt khan hiếm nước như Đức Phổ (Quảng Ngãi), Ninh Thuận, Bình Thuận, nhu cầu về nước của người dân lại càng cao, việc tìm ra nguồn nước bền vững để đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội của địa phương là nhu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết. Thời gian qua, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã thực hiện nhiều dự án điều tra, tìm kiếm nguồn nước tại các vùng khan hiếm nước như: Đánh giá nguồn nước dưới đất vùng Đức Phổ (Quảng Ngãi); Điều tra, đánh giá nước dưới đất các vùng đặc biệt thiếu nước sinh hoạt thuộc các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận; Điều tra nguồn nước dưới đất vùng núi Trung Bộ và Tây Nguyên,…

Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia đã khoan được hơn 20 lỗ khoan có nước với lưu lượng cao tại Ninh Thuận, Bình Thuận, đồng thời tiến hành lắp đặt thiết bị khai thác nước và bàn giao cho địa phương quản lý 10 công trình khai thác nước; điều tra tìm ra nguồn nước dưới đất có thể khai thác, cung cấp nước sạch cho nhân dân ở 15 vùng khan hiếm nước thuộc miền núi Trung Bộ và Tây Nguyên và tìm ra được 55 lỗ khoan có nước, bàn giao cho địa phương quản lý, khai thác sử dụng với tổng lưu lượng thực bơm 94,83l/s (8.193 m3/ngày), có thể cấp cho 140.000 người (với mức 60l/ngày). Đó là kết quả vô cùng ý nghĩa đối với một vùng đặc biệt khan hiếm nước, là tiền đề giúp người dân địa phương ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội toàn vùng.

Vùng biên giới Tây Nam đã có nguồn nước sạch

Thông qua dự án “Điều tra nguồn nước dưới đất vùng sâu Nam Bộ”, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia đã đem nước sạch về với người dân vùng biên giới Tây Nam, giải quyết tình trạng khan hiếm nước cho nhân dân các vùng biên giới Tây Nam Tổ quốc.

Tại các tỉnh vùng sâu Nam Bộ, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia đã điều tra được 89 vùng có triển vọng khai thác nước dưới đất; chuyển giao cho chính quyền các xã vùng sâu, các đơn vị bộ đội 92 công trình cấp nước để đưa vào khai thác cấp nước sạch cho nhân dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và bộ đội đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam. Các lỗ khoan đều có lưu lượng đạt và vượt yêu cầu khai thác, với tổng sản lượng 102.466 m3/ngày, cung cấp nước sạch cho hơn 1 triệu người dân.

Trong thời gian qua, nhờ có kết quả điều tra, tìm kiếm nguồn nước của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia đã thực hiện được tại vùng sâu Nam Bộ,  trong những năm qua, đời sống của nhân dân và bộ đội trong vùng đã được ổn định và ngày càng nâng cao, đồng thời Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế – xã hội của khu vực vùng sâu, vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Có thể nói rằng, thông qua việc thực thi hiệu quả nhiệm vụ quy hoạch, điều tra, tìm kiếm, bảo vệ nguồn nước từ các khu đô thị lớn, vùng đồng bằng cho đến các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khan hiếm nước, vùng hải đảo xa xôi, vùng biên cương của Tổ quốc, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã từng bước tháo gỡ, giúp các địa phương giải quyết khó khăn trong lĩnh vực tài nguyên nước và góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

(Theo monre.gov.vn / Hồng Nhung)