Tìm kiếm nguồn nước sạch cho người dân

vv84Làm thế nào để có giải pháp hợp lý nhất đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân là vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách, chiến lược luôn quan tâm và tìm kiếm.

Khoảng 40% người dân nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch

Theo Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2010-2011 (MICS 4), dân số Việt Nam đang được sử dụng nguồn nước ăn đã được cải thiện (có thể coi là sạch) gồm: Nước máy, nước từ vòi công cộng, nước giếng khoan, giếng có bảo vệ, nước suối có bảo vệ, nước mưa và nước đóng chai. Tuy các nguồn nước đã được cải thiện có thể an toàn hơn các nguồn chưa được cải thiện, nhưng không có nghĩa là nước từ các nguồn này đều an toàn theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường, các phát hiện của Điều tra MICS 2010-2011 cho thấy, hơn bảy trong số 10 người ở Việt Nam được tiếp cận nước uống và công trình vệ sinh được cải thiện. Ở khu vực nông thôn, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt tỷ lệ 75%, trong đó có khoảng 40% nước đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Điều tra mới nhất của Bộ Y tế cho biết, nguồn nước giếng khoan, giếng khơi chiếm tỉ lệ cao nhất trong cơ cấu nguồn nước ăn uống và sinh hoạt của nông thôn Việt Nam (33,1% và 31,2%), nước máy chỉ chiếm 11,7%, suối đầu nguồn 7,5%, nước mưa 2% và sông, hồ, ao chiếm 11%.

Ông Đồng Ngọc Hải Anh – Tổ chức Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF Việt Nam) cho biết, hiện nay, các biện pháp xử lý nước được các hộ gia đình sử dụng nhiều nhất là lọc nước, để lắng, đánh phèn, sau đó đun sôi. Rất ít các biện pháp sử dụng hóa chất được áp dụng. Loại nguồn nước được người dân quan tâm xử lý nhiều nhất trước khi đưa vào sử dụng là nước sông, ao hồ, nước mưa và nước giếng khoan. Hầu hết giếng khơi không được xử lý trước khi đưa vào sử dụng, tuy nguồn nước này được coi là sạch nhưng vẫn có nguy cơ ô nhiễm vi sinh, đặc biệt đối với những giếng được xây dựng gần nguồn gây ô nhiễm như nhà tiêu, chuồng gia súc, hoặc không có thành chắn hoặc có vũng nước đọng quanh giếng.Tuy nhiên, theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, hiện chỉ có khoảng 18% số hộ gia đình ở các vùng nông thôn Việt Nam có nhà tiêu hợp vệ sinh đảm bảo các yêu cầu về xây dựng cũng như bảo quản sử dụng.

Đã thực sự có giải pháp đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân ?

Theo nhận định của UNICEF, một trong những nguyên nhân trực tiếp cản trở các tiến bộ trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh là sự chưa quan tâm và đầu tư đúng của Nhà nước do còn nhiều ưu tiên quan trọng khác. Bên cạnh đó, còn phải kể đến việc người dân còn rất thiếu ý thức, nhận thức cũng như kỹ năng trong sử dụng nước và thực hành vệ sinh là một cản trở lớn cả ở khu vực đô thị và nông thôn.

Vậy làm thế nào để tỷ lệ người dân đặc biệt là người dân nông thôn sử dụng nguồn nước sạch được nâng lên?

Hiện ở một số vùng nông thôn đã có trạm cấp nước cung cấp nước sạch nhưng tỷ lệ khá khiêm tốn, đa phần phải sử dụng nguồn nước tự xử lý. Nhiều trạm cấp nước nằm đắp chiếu do thiếu kinh phí duy trì hoạt động. Nhiều vùng ngoại thành cách Thủ đô chỉ hơn 10km vẫn sử dụng nước mưa hoặc nước giếng khoan qua xử lý sơ sài, chưa có sự kiểm định chất lượng một cách thường xuyên.

Đâu là giải pháp? Theo các chuyên gia, chiến lược lâu dài là có thể cung cấp những nguồn nước an toàn đã qua xử lý và cải thiện hệ thống vệ sinh. Chiến lược ngắn hạn là sử dụng những phương pháp xử lý nước đơn giản tại hộ gia đình như lọc nước, đun sôi nước… Đồng thời, cần tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức ở mọi người; đặc biệt, phải áp dụng những quy định nghiêm ngặt hơn đối với vấn đề kiểm soát ô nhiễm, buộc tất cả doanh nghiệp từ quy mô nhỏ đến lớn phải đáp ứng được những tiêu chuẩn tối thiểu. Điều quan trọng nhất là chính phủ cần đầu tư và xây dựng những dự án nước sạch cũng như các công trình xử lý nước thải để hỗ trợ cho chiến dịch này và thu hút người dân tham gia.

Bên cạnh đó, cần xã hội hóa công tác cấp nước và vệ sinh môi trường cũng như tăng cường hợp tác quốc tế, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho cấp nước và xử lý nước sinh hoạt, nhanh chóng nâng tỷ lệ người dân được sử dụng nước đạt tiêu chuẩn.

 

Mức nước trung bình có thể đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt của mỗi người, mỗi ngày khoảng 60 – 80 lít, trong đó chỉ có 2,5-3 lít nước sạch dùng cho ăn uống. Cơ thể con người không được cung cấp nước đầy đủ có thể dẫn tới các triệu chứng mệt mỏi, nhiễm trùng, các bệnh về tiêu hóa, tim mạch… thậm chí tử vong nếu tình trạng thiếu nước, mất nước kéo dài và trầm trọng.

(Nguồn: Dự án Nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước)

 

 

 

 

(Theo Monre.gov.vn)