Tích cực đảm bảo an ninh nguồn nước cho phát triển bền vững

(Chinhphu.vn) – Việt Nam tự xác định là quốc gia thiếu nước, nên sẽ luôn coi trọng các ứng xử, hành động đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ phát triển bền vững; tích cực trong các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, ứng phó với biến đổi khí hậu.

IMG_6990

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định chủ trương nói trên tại hội thảo, triển lãm quốc tế “An ninh nguồn nước trong kỷ nguyên biến động” (VACI 2015) – hội thảo thường niên về nước hưởng ứng tinh thần LHQ kêu gọi, thu hút đông đảo các tổ chức, chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực gặp gỡ, chia sẻ cơ hội hợp tác, giới thiệu công nghệ, giải pháp mới trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Phó Thủ tướng cho rằng, thế giới hiện nay đang bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của sự biến động về mô hình phát triển kinh tế.

Thách thức liên quan đến nguồn nước đã tồn tại xuyên suốt lịch sử phát triển của nhân loại. Nhưng ngày nay các vấn đề đó đang ngày càng trở nên cấp bách, gay gắt, mang tính chiến lược và mang tầm toàn cầu hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, gia tăng các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước xuyên quốc gia do nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng.

Tại Việt Nam, trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, đã và đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về an ninh nguồn nước.

Với khoảng 63% trong tổng trữ lượng 830-840 tỉ m3 nguồn nước bên ngoài lãnh thổ, an ninh nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào những động thái phát triển trên các con sông quốc tế như sông Hồng và sông Mekong.

Mặc dù đã thống nhất xây dựng khá nhiều cơ chế hợp tác song phương, đa phương về phát triển bền vững nguồn nước, thực tế phát triển và xu hướng chiếm hữu tài nguyên đang đặt ra nhiều sức ép cho Việt Nam, một quốc gia ở hạ nguồn vốn có ít lợi thế hơn trong các đàm phán về sử dụng nguồn nước quốc tế.

Để đạt được mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước trong kỷ nguyên biến động, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện chính sách, pháp luật, chiến lược về tài nguyên nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước và phòng chống có hiệu quả các tác hại của nước do nhân tai gây ra. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là hợp tác với các quốc gia ở thượng nguồn để cùng bảo vệ, chia sẻ, khai thác công bằng, hiệu quả nguồn tài nguyên nước.

Đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo và triển lãm, Phó Thủ tướng mong muốn các đại biểu sẽ đưa ra nhiều thông tin, giải pháp hữu ích liên quan đến việc bảo đảm an ninh nguồn nước trong giai đoạn biến đổi khí hậu rõ rệt hiện nay, góp phần thay đổi nhận thức và hành động ở mỗi địa phương, mỗi ngành, đoàn thể, cá nhân trong đảm bảo an ninh nguồn nước, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, mang lại công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo vệ nguồn nước, góp phần đạt được mục tiêu nước toàn cầu “đảm bảo an ninh nguồn nước cho phát triển bền vững”.

IMG_7024

Nước đang là thách thức lớn cho phát triển

Tại hội thảo, các tham luận đề cập tới các vấn đề cơ bản của an ninh nguồn nước, từ hoạt động quản lý, nghiên cứu khoa học, tài nguyên nước ngầm, đến các giải pháp công nghệ.

Trong đó, diễn đàn Nước Thế giới lần thứ 7 năm 2015 với chủ đề: “Nước tương lai của chúng ta” – sự kiện toàn cầu lớn nhất nhằm tìm ra giải pháp cho những thách thức đối với tài nguyên nước, là căn cứ để các quốc gia, trong đó có Việt Nam rà soát, đánh giá lại các chính sách công, khung đầu tư, cấu trúc quản lý và các thể chế.

Sự gia tăng dân số thế giới nhanh chóng đang làm cho nhu cầu chính yếu về nước, lương thực và năng lượng tăng lên mạnh mẽ.

Theo số liệu thống kê của LHQ thì hiện nay có hơn 1 tỉ người trên thế giới không có nước sạch để dùng. Hơn 100 quốc gia và khu vực bị thiếu nước với mức độ khác nhau, trong đó 43 quốc gia thiếu nước nghiêm trọng. Vùng thiếu nước trên Trái đất chiếm tới 60% diện tích các châu lục.

Trong các nước đang phát triển, có tới 60% số người thiếu nước sạch dùng trong sinh hoạt, 80% bệnh tật có liên quan đến nước ô nhiễm.

Theo thống kê, hiện nay có khoảng 150 quốc gia đang cùng nhau chia sẻ và sử dụng chung các nguồn nước để phục vụ nhu cầu đời sống, kinh tế và phát triển. Các nguồn nước chảy qua nhiều quốc gia đó đòi hỏi phải có sự hợp tác và chung sức để xử lý các vấn đề liên quan, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự tùy thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng.

Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa mạnh mẽ đang làm suy thoái nguồn nước, trong khi việc sử dụng, quản lý nguồn nước và xử lý các vấn đề ô nhiễm chưa được coi trọng thỏa đáng. Đây là một trong các nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh, ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống và khả năng tiếp cận nước sạch của người dân.

Đặc biệt, biến đổi khí hậu đang làm cho các thách thức về nguồn nước trở nên phức tạp và rất khó lường. Nhiều quốc gia đang đứng trước thực trạng nước sông, nước ngầm suy giảm đáng kể hoặc cạn kiệt, các lớp băng tan nhanh hơn, mực nước biển, triều cường và xâm nhập mặn gia tăng… ảnh hưởng lớn tới việc cung cấp nước cho đời sống, sản xuất.

Hội thảo thống nhất đánh giá, đảm bảo an ninh nguồn nước đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của mỗi quốc gia.

Nhiều phương pháp và cách tiếp cận quản lý mới đã được nghiên cứu và ứng dụng như phương pháp quản lý tổng hợp tài nguyên nước, phương pháp quản lý nước theo lưu vực sông, cách tiếp cận theo hệ thống: Nước – năng lượng – lương thực, tiếp cận tăng trưởng xanh…

(Theo baochinhphu.vn)