Những ngày gần đây, dòng sông Vu Gia (Quảng Nam) khô trơ đáy. Người dân sống ở các vùng hạ du như Cẩm Lệ, Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng) và các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn (Quảng Nam) nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Không những thế, nạn nước biển xâm nhập sâu khiến nước sinh hoạt và nước tưới tiêu cho hoa màu bị nhiễm mặn. Thủ phạm chính của việc này là do thủy điện tích nước từ đầu nguồn.
Tại TP. Đà Nẵng, người dân sống ở các quận Cẩm Lệ, Thanh Khê, Sơn Trà…đang “kêu trời” về tình trạng thiếu nước và nước bị nhiễm mặn. Theo họ, gần nửa tháng nay, nguồn nước máy chảy rất yếu. Lãnh đạo Công ty TNHH Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho rằng, do nắng nóng thất thường trong thời gian qua khiến nước trên sông Cẩm Lệ, sông Yên bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Ước tính, độ mặn đo được tại khu vực cấp nước cho nhà máy nước cao gấp gần 15 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Bên cạnh đó, lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về quá thấp, lại đỏ ngầu khiến Nhà máy Nước Cầu Đỏ phải hoạt động cầm chừng.
Theo các cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên, là do thủy điện Đắk Mi 4 không thực hiện xả nước theo quy định, khiến vùng hạ lưu sông Vu Gia bị nhiễm mặn rất nặng, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho hàng triệu dân Đà Nẵng và có nguy cơ gây hạn hán nghiêm trọng cho hạ lưu sông này.
Trước nguy cơ thiếu nước trầm trọng và bị mặn xâm nhập sâu tại vùng hạ lưu của hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn – Vĩnh Điện, mới đây Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các nhà máy thủy điện phải khẩn trương xả nước nhằm kịp thời đẩy mặn, đảm bảo phục vụ cho sinh hoạt và xuống giống vụ hè thu 2012. Được biết, hiện hầu hết các nhà máy thủy điện chỉ vận hành một tổ máy (chủ yếu theo sự điều phối của EVN) mỗi ngày khoảng 8 – 10 tiếng, vì vậy mực nước sông Vu Gia – Thu Bồn bị dao động rất mạnh và xuống thấp khiến các trạm bơm điện vùng hạ du vận hành rất khó khăn, thậm chí một số trạm bơm phải “đóng cửa”.
Bên cạnh đó, Nhà máy Nước Cầu Đỏ cung cấp đến 90% nước sinh hoạt cho thành phố, bị nước mặn xâm nhập với mức gần 500mg/lít. Không chỉ bị nhiễm mặn, nước sông Vu Gia bị ô nhiễm bùn đất, hóa chất một cách nghiêm trọng đã gây nhiều khó khăn cho nhà máy. Không những thế, nước tưới cho hàng trăm hécta lúa và hoa màu vụ hè thu dọc lưu vực sông Vu Gia cũng bị thiếu hoặc bị nhiễm mặn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Vạn Thắng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Đà Nẵng cho biết, việc xây dựng Thủy điện Đắk Mi 4 đã cắt dòng sông Đắk Mi để phát điện nhưng không trả nước về dòng Vu Gia mà lại đổ về sông Thu Bồn. Chính vì vậy, sông Vu Gia cạn kiệt vào mùa khô, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống sinh hoạt của gần 1,7 triệu dân sống ở vùng hạ lưu .
Theo ông Thắng, trong những năm gần đây, đã nhiều lần TP. Đà Nẵng quyết liệt yêu cầu chủ đầu tư trả nước về lại sông Vu Gia với lưu lượng 47m3/giây, nhưng sau đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã quyết định trả nước về sông Vu Gia với lưu lượng 25m3/giây. Trong khi, Nhà máy Thủy điện Đắk Mi 4 lấy của sông Vu Gia vào mùa khô từ tháng 1 đến tháng 9 hàng năm là 47m3/giây. Hiện nay Quảng Nam và Đà Nẵng đang chuẩn bị gấp gáp cho vụ hè thu với 8.000ha, nếu tình trạng thiếu nước và nguồn nước lại bị nhiễm mặn như vậy, e rằng sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất của vụ mùa.
Tuy nhiên, đến thời điểm này Thủy điện Đắk Mi 4 vẫn chưa thực hiện trả nước lại cho dòng Vu Gia, bất chấp những cảnh báo từ chính quyền và hậu quả là người dân sống ở lưu vực và hạ du sông Vu Gia “lãnh đủ”.
(Theo Monre.gov.vn)