Ngày 23/12/2012, tại Sơn La, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức Lễ khánh thành Công trình Thủy điện Sơn La.Tham dự Lễ khánh thành có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ ngành liên quan và đại diện chính quyền, nhân dân các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (chủ đầu tư), Ban QLDA NMTĐ Sơn La (đại diện chủ đầu tư), Tổng thầu, các nhà thầu thành viên, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, các nhà thầu cung cấp thiết bị v.v…
Dự án Thủy điện Sơn La với công suất lắp đặt 2.400 MW (gồm 6 tổ máy, mỗi tổ máy 400MW) là bậc thang thứ 2 nằm trên sông Đà (sau Thủy điện Lai Châu và là bậc trên của Thủy điện Hòa Bình). Công trình chính thuộc địa phận xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Hồ chứa nước thuộc một số xã, huyện của tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu. Nhiệm vụ chính của Dự án là cung cấp điện lên hệ thống điện Quốc gia với sản lượng điện trung bình hàng năm là 10,246 tỷ kWh; chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ và góp phần phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Bắc.
Dự án thành phần xây dựng công trình Thủy điện Sơn La do Tổ hợp nhà thầu là Tổng Công ty Sông Đà (tổng thầu), Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (LICOGI) và Tổng Công ty Lắp máy (LILAMA) thi công xây dựng và Lắp đặt thiết bị.
Phát biểu Lễ khánh thành công trình, ông Hoàng Quốc Vượng Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định:Tiếp sức cho các đơn vị tham gia công trình Thủy điện Sơn La, Thủ tướng Chính phủ đã có những quyết sách, chỉ đạo sát sao như việc ban hành Cơ chế đặc biệt trong quản lý và thực hiện dự án tại Quyết định số 207/2004/QĐ-TTg ngày 11/12/2004; thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước tại Quyết định số 09/2004/QĐ-TTg ngày 15/01/2004 do Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (nay là Thủ tướng Chính phủ) làm Trưởng Ban để chỉ đạo, điều phối mọi hoạt động của các Bộ ngành, chính quyền địa phương, chủ đầu tư và các đơn vị thi công, kịp thời giải quyết mọi khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.
Việc hoàn thành công trình Thủy điện Sơn la sớm hơn 3 năm có ý nghĩa rất lớn. Với công suất 2.400MW, Thủy điện Sơn La chiếm gần 10% tổng công suất hệ thống điện hiện nay, góp phần quan trọng vào việc đáp ứng nhu cầu điện năng trong những năm sắp tới. Hồ chứa Thủy điện Sơn La được đưa vào sử dụng đã cải thiện việc cấp nước tưới cho đồng bằng Bắc bộ và điều tiết lũ cho hạ du ngay từ năm 2011, giảm tải việc xả lũ của hồ Thủy điện Hòa Bình. Lợi ích kinh tế thu được cũng rất lớn: mỗi năm vào vận hành sớm, nhà máy sẽ tạo ra doanh thu 500 triệu USD, tiết kiệm hơn 5 triệu tấn than để sản xuất ra lượng điện năng tương đương.
Thành công của công trình Thủy điện Sơn La đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của chủ đầu tư và các nhà thầu, đã trở thành niềm tự hào của đội ngũ xây dựng thủy điện Việt Nam với công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á mà tất cả các khâu Quản lý – Thiết kế – Thi công – Vận hành đều do người Việt Nam đảm nhiệm chính.Công trình Thủy điện Sơn La được khánh thành là kết quả của một quá trình phấn đấu gần 3000 ngày đêm không nghỉ của hàng chục ngàn CBCNV trên công trường cùng với sự trợ giúp, tạo điều kiện đặc biệt của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành liên quan, các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân các dân tộc ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu.
Các thông số và khối lượng chính của công trình thủy điện:
+ Diện tích lưu vực: 43.760 km2
+ Dung tích hồ chứa: 9,26 tỷ m3
+ Mực nước dâng bình thường: 215m
+ Mực nước gia cường: 217,83m
+ Mực nước chết: 175m
+ Sản lượng điện hàng năm: 10,246 tỷ kWh (trong đó tăng cho Thủy điện Hòa Bình là 1,267 tỷ kWh)
+ Kết cấu đập bê tông trọng lực cao 138,1m, chiều dài đỉnh đập 961,6m, công trình có 12 khoang xả sâu, 6 khoang xả mặt. Nhà máy thủy điện kiểu hở, bố trí sau đập.
+ Khối lượng đào đắp đất đá các loại 14,673 triệu m3
+ Khối lượng bê tông các loại 4,920 triệu m3, trong đó 2,238 triệu m3 bê tông đầm rung (CVC) và 2,682 triệu m3 bê tông bê tông đầm lăn (RCC).
+ Khoan phun gia cố và khoan phun chống thấm 109.400 md
+ Khối lượng thiết bị 72.070 tấn các loại.
– Tiến độ: Theo Nghị quyết của Quốc hội, tổ máy 1 phát điện vào năm 2012, hoàn thành toàn bộ nhà máy vào năm 2015; được hiệu chỉnh phát điện tổ máy 1 vào cuối năm 2010, hoàn thành công trình vào 2012.
– Các mốc chính của dự án đã đạt được:
+ Khởi công và ngăn sông đợt 1: ngày 02/12/2005
+ Ngăn sông đợt 2: ngày 23/12/2008
+ Ngăn sông đợt 3 và tích nước: ngày 15/5/2010
+ Phát điện tổ máy 1: ngày 17/12/2010
+ Phát điện tổ máy 2: ngày 20/4/2011
+ Phát điện tổ máy 3: ngày 23/8/2011
+ Phát điện tổ máy 4: ngày 19/12/2011
+ Phát điện tổ máy 5: ngày 28/4/2012
+ Phát điện tổ máy 6: ngày 26/9/2012
|
(Theo Monre.gov.vn)