Sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP (còn gọi là Nghị quyết “thuận thiên”) của Chính phủ trong phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), việc kế thừa các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước cùng với tích hợp, lồng ghép kết quả các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ, các dự án đầu tư đã tạo đà phát triển cho ĐBSCL, bước đầu thích ứng với BĐKH.
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy
ĐBSCL là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do BĐKH ở nước ta. Vì vậy, năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết “thuận thiên”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng ban hành quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL từ năm 2016. Và mới nhất, tháng 6-2020 quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2025. Mặc dù Nghị quyết 120 mới triển khai được 3 năm nhưng đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy của các cấp, các ngành và nhận thức của nhân dân được nâng cao.
Trao đổi với phóng viên, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục BĐKH (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Nghị quyết 120 là chủ trương đột phá để kiến tạo vùng ĐBSCL phát triển bền vững. Trong 3 năm qua, chúng ta bước đầu đã chủ động thích ứng với các tác động của BĐKH, sống chung và coi lũ, nước mặn, nước lợ là tài nguyên để phát triển kinh tế với phân vùng hợp lý trên cơ sở phân bổ tài nguyên nước của toàn vùng. Hiệu quả của việc phân vùng, chuyển đổi sản xuất “thuận thiên” đã được minh chứng qua đợt hạn mặn kỷ lục 2019-2020 vừa qua với diện tích lúa bị thiệt hại chỉ bằng khoảng 10% so với năm 2015-2016.
Bên cạnh đó, phương châm “Chính phủ thúc đẩy, doanh nghiệp hành động, người dân hưởng ứng” của Chính phủ khi đầu tư nguồn lực, triển khai Nghị quyết 120 cũng được thực hiện với nhiều dự án mang tính “hạt giống”, các chính sách ưu đãi được ban hành, mở cơ hội, đưa doanh nghiệp trở thành hạt nhân cho quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh, thích ứng với BĐKH. Trên cơ sở đó, đã có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư triển khai các dự án về: Nông nghiệp, giao thông, phát triển năng lượng tái tạo… làm thay đổi bộ mặt của vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cả nước.
Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng dữ dội đối với ĐBSCL
Cơ chế đặc thù phải cân đối vùng, miền
Trong những năm tới, để đối phó với tình trạng xâm nhập mặn, mất phù sa ở ĐBSCL diễn ra ngày càng mạnh, GS, TS Trần Thục, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về BĐKH cho rằng, trong ứng phó với BĐKH có hai giải pháp phù hợp nhất, đó là chấp nhận tổn thất và chuyển đổi mục đích sử dụng. “Tôi lấy ví dụ, ĐBSCL phù sa đang giảm, hiện tượng sạt lở hai bờ sông xuất hiện ngày càng nhiều. Với nguồn lực còn hạn chế, chúng ta chưa thể xây kè cho tất cả các bờ sông, bờ kênh. Vì vậy trước mắt, để bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội nên tập trung bảo vệ các vị trí quan trọng, các thành phố lớn, khu vực kinh tế, khu vực đông dân cư. Những nơi khác chấp nhận tổn thất, hỗ trợ người dân di dời nhà ở và chuyển đổi mục đích sử dụng, như chuyển trồng lúa sang nuôi thủy sản, các giống cây trồng chịu hạn, mặn…”, GS, TS Trần Thục cho hay.
Một trong những khó khăn hiện nay khi triển khai Nghị quyết 120 là chưa có cơ chế đặc thù để thực hiện do vẫn phải trong khuôn khổ tổng thể chính sách phát triển chung của cả nước, theo quy định của pháp luật. Thực tế cho thấy, năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành cơ chế thí điểm liên kết vùng đến năm 2020, thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL vào ngày 12-6-2020 để tham mưu cũng như kiểm tra, giám sát việc thực hiện liên kết vùng, phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Theo ông Tăng Thế Cường, mặc dù các cơ chế này vẫn chủ yếu về tăng cường trao đổi ở cấp độ chính sách về liên kết vùng, tuy nhiên, với việc hình thành các tổ điều phối cấp bộ, cấp tỉnh; tổ chuyên gia tư vấn để giúp Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL hoạt động hiệu quả đó chính là nền móng ban đầu cho việc hình thành và thực hiện các cơ chế chính sách phù hợp hơn với đặc điểm tự nhiên, điều kiện kinh tế-xã hội của ĐBSCL.“Điều này sẽ giúp tháo gỡ được những rào cản và giải phóng hiệu quả nguồn lực của vùng ĐBSCL trong thời gian tới. Cơ chế đặc thù chính là bàn đạp để phát triển. Tuy nhiên phải đặt trong bối cảnh chung của đất nước và cân đối với các vùng, miền khác”, ông Tăng Thế Cường nhấn mạnh.