Thời tiết 2011: Bão lũ, lạnh giá do La Nina

Đợt rét đậm rét hại đang diễn ra ở Bắc Bộ còn kéo dài đến hết tuần. Băng giá có khả năng không chỉ xuất hiện ở Mẫu Sơn, Lạng Sơn mà còn xuất hiện ở Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn…  Theo TS. Hoàng Đức Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khí tượng thủy văn, thời tiết bất thường trong mùa đông năm nay là do hiện tượng La Nina.

La Nina là pha lạnh trong hiện tượng Enso (hiện tượng kép, thể hiện dao động tuần hoàn của khí quyển đại dương), bao gồm 2 hiện tượng khí quyển là El Nino với nhiệt độ mặt nước biển tăng hơn so với trung bình nhiều năm và La Nina với nhiệt độ mặt nước biển giảm hơn so với trung bình nhiều năm.

Liên tiếp các đợt rét đậm, rét hại

Hơn 1 tuần qua, liên tiếp các đợt không khí lạnh cường độ rất mạnh tràn từ Bắc cực xuống và gây ra đợt rét mạnh ở miền Nam, Trung Quốc. Nhiều nơi, tuyết đã phủ dày, gây ách tắc giao thông và gây khó khăn cho cuộc sống của người dân nhiều quốc gia như Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc…

Không khí lạnh đã tràn xuống nước ta và gây ra không khí lạnh ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Vùng núi đã xuất hiện băng giá. Nhiệt độ xuống rất thấp. Dự báo trong ngày 12-13/1, sẽ tiếp tục có đợt không khí lạnh tăng cường kèm theo mưa nhỏ, mưa phùn cho nên ở miền Bắc tiếp tục lạnh và nhiều vùng núi cao sẽ có băng tuyết.

Theo TS. Hoàng Đức Cường, hiện tượng La Nina đang diễn ra và sẽ còn tiếp tục đến mùa xuân 2011. Với La Nina tác động tới thời tiết khí hậu, Việt Nam sẽ đối mặt với mùa đông lạnh hơn bình thường.

 Theo nhận định của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), hiện tượng La Nina năm 2010-2011 đã xuất hiện và phát triển nhanh từ giữa năm ngoái ngay sau khi hiện tượng El Nino chấm dứt hoạt động vào tháng 4/2010. Nhiệt độ bề mặt đại dương ở Đông và Trung Thái Bình Dương đã lạnh hơn nhiệt độ bình thường khoảng 1,5 độ C. Trong khi đó, nhiệt độ của lớp nước bên dưới bề mặt đại dương ở các khu vực này cũng thấp hơn nhiệt độ bình thường từ 2-6 độ C.

Sự giảm nhiệt này kết hợp với sự lưu chuyển bất thường của bầu khí quyển trong khu vực đã tạo ra hiện tượng thời tiết bất thường, làm gián đoạn các mô hình bình thường về mưa nhiệt đới và lưu chuyển của khí quyển, tác động lớn đến khí hậu của nhiều khu vực rộng lớn, gây ra các các thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng.

“Đã đến lúc cần nhìn nhận nắng nóng, rét đậm, rét hại cũng là những loại thiên tai nguy hiểm không kém bão, lũ để sẵn sàng chủ động ứng phó”, TS. Cường khuyến cáo.

Có mưa trái mùa

Theo TS. Hoàng Đức Cường, do ảnh hưởng của La Nina, có thể tình trạng khô hạn đầu năm ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ được cải thiện do có mưa trái mùa. “Tuy nhiên, lượng nước này không nhiều, chỉ có thể cải thiện giảm độ khô của đất phục vụ nông nghiệp, chứ không cải thiện được tình trạng thiếu nước ở các hồ thủy điện, bởi mực nước các sông dự báo vẫn rất thấp”, TS. Cường nói.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, mùa đông xuân 2011, dòng chảy trong cả mùa đối với 2 sông Hồng và Thái Bình sẽ có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20 – 35%. Vào các tháng cuối mùa khô (tháng 3 – 4/2011), lượng nước thiếu hụt có thể lên tới 40%. Mực nước thấp nhất tại Trạm Thủy văn Hà Nội có khả năng lặp lại mức thấp lịch sử (0,1m) xảy ra vào năm 2010 và mức thấp này sẽ xảy ra vào các tháng 2, 3/2011.

Đối với vùng Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên, vào đầu mùa đông xuân, dòng chảy các sông tiếp tục ở mức thấp hơn so với năm trước và so với trung bình nhiều năm là 30 – 40%. Khu vực Tây Nguyên, dòng chảy cũng thấp hơn so năm trước từ 30 – 50% và kéo dài đến hết mùa.

Lý giải hiện tượng mưa lũ khủng khiếp ở miền Trung tháng 10-11/2010, TS. Hoàng Đức Cường cho rằng, có hai yếu tố cùng kết hợp gây nên cường độ lũ mạnh lịch sử. Đó là La Nina xuất hiện làm tăng mưa và lại rơi đúng vào những tháng mùa mưa hàng năm của Trung Bộ. Còn có thể kể đến tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu làm gia tăng sự khắc nghiệt của thiên tai.

 

 

 

(Theo Monre.gov.vn)