Sáng 24/8, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cùng với các nhà khoa học trong lĩnh vực tài nguyên nước, tổ chức Hội thảo tham vấn và đóng góp ý kiến của xã hội dân sự cho dự thảo lần thứ 5 Luật Tài nguyên nước sửa đổi. Mục đích chính của việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước lần này, nhằm tăng cường khung pháp lý về nguồn nước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững Tài nguyên nước.
Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Trưởng nhóm chuyên gia góp ý Luật Tài nguyên nước (nhóm VRN) cho biết: Những năm gần đây chúng ta đang chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tình trạng lấn chiếm sông hồ diễn ra một cách tràn lan…Vì vậy vai trò lĩnh vực quản lý Tài nguyên nước hết sức quan trọng. Do vậy chúng ta cần có nhiều đóng góp ý kiến xác thực tham vấn cho Luật sửa đổi để cuối cùng có một ý kiến thống nhất, phù hợp và đem lại lợi ích chung.
Các nhà khoa học đều nhất trí với bản dự thảo lần thứ 5 Luật Tài nguyên nước sửa đổi, bao gồm 10 Chương và 86 Điều, trong đó tập trung vào chiến lược quy hoạch và bảo vệ Tài nguyên nước; đồng thời đóng góp thêm về các vấn đề phạm vi điều chỉnh việc tham gia của các cộng đồng xã hội trong quản lý tài nguyên nước, khai thác sử dụng tài nguyên nước công bằng, hợp lý để giảm thiểu tác hại do nước gây ra.
Điểm mới của dự thảo Luật Tài nguyên nước lần này là đã đưa vào Luật nhiều nội dung mới về điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, cũng như phòng, chống xâm nhập mặn và nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Đặc biệt là Điều 61 quy định tổ chức, cá nhân phải có biện pháp xử lý khí thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để tránh gây mưa axit; trường hợp khí thải chưa xử lý tạo ra mưa axit gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật…
(Theo Monre.gov.vn)