Tây Ninh: Chung tay bảo vệ chất lượng nguồn nước hồ Dầu Tiếng

Ngày 25/7, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh cho biết: Tỉnh đang phối hợp với 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước tiến hành kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản, chăn thả gia súc, gia cầm, thủy cầm trong hồ Dầu Tiếng. Đồng thời giám sát nghiêm ngặt các nhà máy chế biến nằm ở đầu nguồn, nhằm bảo vệ chất lượng nguồn nước của hồ Dầu Tiếng, tránh bị ô nhiễm.
Theo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa, bên cạnh nhiệm vụ tưới tiêu cho gần 100.000 ha cây trồng hàng năm cho các tỉnh Tây Ninh, TP.Hồ Chí Minh, hồ Dầu Tiếng còn xả nước đẩy mặn, ngọt hóa vùng hạ du ven sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông. Ngoài ra, hồ Dầu Tiếng còn cung cấp nước phục vụ công nghiệp và sinh hoạt với công suất 111,167 triệu m3/năm cho 2 tỉnh Tây Ninh và TP.Hồ Chí Minh. Trong đó, Nhà máy Nước Tân Hiệp (TP. Hồ Chí Minh) tiêu thụ đến 100 triệu m3/năm.
Để bảo đảm nguồn nước trong hồ không bị ô nhiễm, các kênh chính Đông, chính Tây ít rong, bèo và giải quyết tình trạng ngập úng thì cần phải “ngăn chặn” nguồn nước từ suối Xa Cách đổ vào, vì đây là nguồn nước xả từ các nhà máy chế biến.
Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa cũng kiến nghị các địa phương phối hợp, hỗ trợ Công ty trong việc bảo vệ, quản lý hồ, giữ an ninh trật tự và bảo vệ môi trường hồ Dầu Tiếng trước nhiều nguy cơ ô nhiễm, xâm hại như nạn khai thác cát “chui”, đánh bắt cá bằng thuốc nổ, nước thải độc hại từ các cơ sở sản xuất xả ra nguồn nước dẫn vào hồ, tình trạng nuôi thủy sản tự phát… gây nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng của nguồn nước hồ.

 
 
(Theo Monre.gov.vn)