Tập trung giải quyết khó khăn cho các trạm cấp nước tại địa bàn Hà Nội

Trước tình trạng nhiều trạm cấp nước bỏ hoang lãng phí, UBND TP. Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo các Sở, ngành liên quan và địa phương tập trung tháo gỡ những khó khăn về vốn, mặt bằng…

Tổng ngân sách Nhà nước và nhân dân đóng góp là hơn 68 tỷ đồng để xây dựng 16 trạm cấp nước (TCN) tập trung tại khu vực ngoại thành. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đầu tư, các địa phương gặp khó khăn trong quá trình huy động vốn đóng góp của nhân dân nên hầu hết các TCN đều xây dựng dở dang hoặc xây dựng xong nhưng không có kinh phí để lắp đặt mạng đường ống dẫn nước, đồng hồ đến từng hộ dân. Điều đó dẫn đến hàng loạt thiết bị tiền tỷ được đầu tư sẽ phải “khai tử” vì thời gian bỏ hoang quá lâu. Một số TCN ở các thôn Đoan Lữ (xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức), Kim Tiên (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh)…hệ thống công trình đầu mối bị hư hỏng hoàn toàn không thể sửa chữa, cải tạo.

Trước thực trạng đó, UBND TP. Hà Nội đã kêu gọi các DN thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng các TCN tập trung để tái hoạt động trở lại. Thế nhưng tiến độ làm “sống” lại các TCN chưa đáp ứng được yêu cầu của UBND TP. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, trong tổng số 16 TCN khẩn cấp “giải cứu”, đến nay mới có 4 trạm vận hành, 2 trạm đang trong quá trình đầu tư, 7 trạm đang tìm kiếm DN để giao làm chủ đầu tư, 3 trạm hư hỏng cần thanh lý thu hồi tài sản. Kết quả khảo sát tại 4 TCN đã vận hành và 1 trạm đang đầu tư cho thấy, các DN làm chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, năng lực đầu tư còn hạn chế nên một số công trình chưa phát huy hết công suất và chậm đưa vào khai thác. Không chỉ thiếu vốn đầu tư, các DN đều phàn nàn có nhiều vướng mắc chậm được giải quyết. Ông Ngô Xuân Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Ngọc Hải, đơn vị được giao làm chủ đầu tư khôi phục TCN tập trung thị trấn Quốc Oai cho biết, hiện công ty đang phải làm “chui” vì thủ tục bàn giao mặt bằng xây dựng và đánh giá tài sản để làm thủ tục lập dự án đầu tư theo quy định chưa thực hiện.

Để tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN được giao khôi phục các TCN chưa hoạt động tại khu vực ngoại thành, cuối tháng 6/2012, UBND TP. Hà Nội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư. Theo văn bản này, các địa phương dừng thực hiện 16 dự án đầu tư dở dang xây dựng TCN được đầu tư bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách thành phố và một phần dân đóng góp để quyết toán chuyển đổi hình thức đầu tư thông qua vay vốn tín dụng từ Quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội. Theo quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước, các địa phương phải quyết toán vốn đầu tư phần việc đã hoàn thành cũng như thanh lý tài sản theo đúng quy định trình UBND TP xem xét. Song đến thời điểm này, khâu đánh giá lại tài sản và bàn giao vốn, mặt bằng xây dựng cho DN chưa được thực hiện nên thiếu cơ sở pháp lý để vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội.

Thực tế cho thấy, những tồn tại hiện nay rất khó khăn đối với các DN, đề nghị UBND TP. khẩn trương chỉ đạo các huyện nhanh chóng quyết toán và bàn giao cụ thể cho DN tài sản và mặt bằng đã đầu tư tại các TCN.


(Theo Monre.gov.vn)