Lượng nước thải sinh hoạt khổng lồ không qua xử lý đổ vào sông Đồng Nai cũng là nguyên nhân lớn đầu độc nguồn nước cho khoảng 19 triệu dân.
Ấy thế, người ta nói nhưng tay vẫn cứ ký duyệt cho các siêu dự án đô thị dân cư bám theo sông với lời hứa có kiểm soát của các nhà đầu tư: Sẽ có hệ thống xử lý thải đảm bảo…
Sự sống đang bị đầu độc
Ai cũng quá hiểu giá trị của nước đối với đời sống con người. Và sông Đồng Nai với tổng lưu vực lên tới 37.400km2 có tổng lượng nước hằng năm khoảng 37 tỉ mét khối phục vụ sản xuất, sinh hoạt của hơn 19 triệu cư dân ở 11 tỉnh, thành thuộc khu vực phía nam.
Theo tài liệu của PV, năm 2005 Phân viện Khảo sát quy hoạch thủy lợi Nam Bộ (Bộ NNPTNT) đã hoàn tất Dự án giám sát chất lượng nước hạ lưu sông Đồng Nai – Sài Gòn. Các nhà khoa học kết luận, đến thời điểm nói trên thì tại khu vực trung lưu và hạ lưu sông Đồng Nai, dù nước thải từ các khu đô thị, KCN hai bên sông đã làm ô nhiễm nguồn nước, nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng do lưu lượng thải còn nhỏ so với tổng lưu lượng dòng sông, các hiện tượng ô nhiễm chỉ là cục bộ và chỉ xảy ra trong phạm vi một nhánh sông hay một số khu vực nhỏ.
Còn bây giờ? Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Quan trắc thuộc Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT), thì hiện mỗi ngày sông Đồng Nai phải gánh 4,5 triệu mét khối nước thải của 11 tỉnh, thành, trong đó có hơn 100 KCN thải ra gần 2 triệu mét khối nước/ngày đêm và chỉ 1/3 KCN đã và đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Bên cạnh đó còn gần 3 triệu mét khối nước thải sinh hoạt/ngày đêm phần lớn vẫn chưa được xử lý trước khi thải ra sông. Tất cả đang khiến chất lượng nguồn nước sông Đồng Nai bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Kẻ cứ kêu, người cứ ký
Nguyên nhân gây sụt giảm đến mức báo động chất lượng nước sông Đồng Nai được kết luận không chỉ lỗi tại các nhà máy, KCN xả thải không qua xử lý, mà còn bởi gần 3 triệu mét khối nước thải sinh hoạt bẩn từ các vùng đô thị, khu dân cư nằm trên lưu vực chưa qua xử lý đổ vào sông.
Theo một nghiên cứu của Tổ chức WWF Việt Nam, thì nguồn thải từ dân sinh là 1/3 nguyên nhân (hoạt động dân sinh, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp) khiến sông Đồng Nai ô nhiễm nghiêm trọng. Khi tốc độ dân số tăng đồng nghĩa với việc tăng lượng chất thải sinh hoạt. Nhưng những siêu dự án bên sông tiếp tục mọc lên. Điển hình nhất là tại tỉnh Đồng Nai, hàng loạt siêu dự án bên sông như dự án KĐT Long Hưng; Đ.P… vẫn được duyệt. Mới đây, với lý do gây ô nhiễm môi trường và sông Đồng Nai, tỉnh này đang ráo riết xóa sổ KCN Biên Hòa 1. Tuy nhiên KCN ô nhiễm này sẽ được chuyển công năng thành khu đô thị, thương mại, dịch vụ… lại cũng là nguồn ô nhiễm không kém.
Theo lý thuyết, bất kỳ dự án nào phải có yếu tố bắt buộc để được duyệt là giải pháp xử lý nước thải. Ấy nhưng đến tận giờ này, hầu như nước sinh hoạt các vùng đô thị dân cư đều chưa xử lý đổ thẳng ra sông gây ô nhiễm.
(Theo Ngô Sơn – Báo Lao động)