Có một sai lầm khá phổ biến trong quan niệm của người Việt Nam. Do ở vùng đồng bằng nhìn đâu cũng thấy sông, hồ, đầm, ruộng nước, còn bờ biển thì chạy dọc theo lãnh thổ đất nước nên chúng ta nghĩ rằng Việt Nam có nguồn nước quá dồi dào, nếu không nói là vô tận
Nguồn nước nội địa chỉ đạt mức trung bình kém của thế giới – 3.600 m3/người/năm, ít hơn mức bình quân toàn cầu 4.000 m3 /người/năm và thuộc diện quốc gia thiếu nước.
Chúng ta không thể chủ động bảo vệ, khai thác và sử dụng nguồn nước ngoại lai. Nhất là vào những năm gần đây sự khai thác nguồn nước của các quốc gia ở thượng nguồn ngày càng gia tăng và có chiều hướng bất lợi cho nước ta. Trung Quốc đã và đang xây dựng hơn 10 hồ chứa lớn trên sông Mekông, sông Nguyên. Thái Lan đã xây 10 hồ chứa vừa và lớn. Campuchia có dự kiến giữ mực nước Biển Hồ ở một cao trình nhất định để phát triển thủy lợi.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Phạm Hồng Giang, Nguyên thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước thế giới, sự tác động của con người đã biến con sông Hồng ở nước ta thành “con sông nhân tạo. Ông cho biết: “Hệ thống lưu vực sông Hồng bằng 160 km2, nhưng phần trong lãnh thổ Việt Nam chỉ khoảng 50%, nửa còn lại nằm ở bên Trung Quốc. Sông Hồng bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam. Phải nói rằng trong thời gian gần đây tác động của con người đối với dòng chảy sông Hồng rất lớn. Có thể nói rằng sông Hồng mang yếu tố nhân tạo rất lớn, không còn là sông thiên nhiên nữa. Các đập xây dựng trên sông Hồng không chỉ ở ta mà ở bên Trung Quốc họ cũng xây rất nhiều, khai thác cũng khá triệt để. Tôi đã đến thăm một số đập trên sông Hồng ở phía Trung Quốc, có những đập rất lớn như đập Mã Lập Đường, chỉ cách cửa khẩu Thanh Thủy của ta ở Hà Giang theo đường chim bay 30 – 40 km”.
Phó giáo sư Phan Văn Tân, Khoa Khí tượng Thủy văn và HDH, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, nêu rõ rằng nguồn tài nguyên nước của Việt Nam không quá dồi dào mà lại còn mang tính cực đoan. Điều này thể hiện qua sự phân bố rất không đều theo thời gian: mùa khô và mùa mưa – mùa khô thì hạn hán, mùa mưa thì ngập úng, và theo không gian – trong một thời điểm có vùng đang chịu lũ lụt lại có vùng đang thiếu nước trầm trọng. Bên cạnh đó nguồn nước Việt Nam có xu thế suy thoái do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhiệt độ không khí có xu thế ngày một tăng lên và kịch bản có thể chấp nhận là đến năm 2070, nhiệt độ ở các vùng ven biển có khả năng tăng thêm +1,50C, vùng nội địa tăng +2,0°C. Việc này kéo theo lượng hơi nước bốc lên khoảng 7,7% – 8,4%, nhu cầu tưới tăng lên, lượng dòng chảy nước mặt sẽ giảm đi tương ứng khi lượng mưa không đổi. Còn hiện tượng El Nino gắn liền với việc gây hạn hán rất nặng nề ở nước ta.
Tài nguyên nước Việt Nam còn có xu thế suy thoái do khai thác và sử dụng thiếu bền vững, chẳng hạn bịt cửa các phân lưu để khai thác các bãi sông trong đê sử dụng cho mục đích nông nghiệp. Cửa sông Cà Lồ – phân lưu tự nhiên của sông Hồng, bị bịt kín và con sông nhỏ trở thành một nhánh của sông Cầu, chuyên chứa nước mưa, nước thải ô nhiễm các chất hữu cơ, dầu mỡ. Các sông nhỏ trong nội đô của các thành phố bị ô nhiễm nặng do nước thải sinh hoạt, công nghiệp. Xây dựng quá nhiều đập dâng thủy lợi và sử dụng hết lượng nước cơ bản, tạo ra khúc sông “khô” dưới đập. Các đập thuỷ điện tạo ra khúc sông “chết” dưới hạ lưu đập, tàn phá môi trường thủy sinh.
Giáo sư Ngô Đình Tuấn – Chủ tịch hội đồng khoa học- Viện Tài nguyên nước và Môi trường Đông Nam Á, người đã có 50 năm nghiên cứu về nguồn nước ở Việt Nam, trong một công trình nghiên cứu của mình đã đề ra các biện pháp như sau để bảo vệ tài nguyên nước của chúng ta: Hạn chế và giảm thiểu suy thoái tài nguyên nước do biến đổi khí hậu toàn cầu. Cải thiện, nâng cấp và mở rộng các hệ thống thoát lũ, tiêu úng. Hạn chế và giảm thiểu suy thoái nguồn nước do khai thác, sử dụng không bền vững. Nhà nước sớm ban hành đầy đủ đồng bộ những văn bản dưới Luật hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường và các Luật có liên quan đến tài nguyên nước. Đầu tư nghiên cứu kiểm kê đánh giá và qui hoạch dự báo dài hạn tài nguyên nước.
Bên cạnh đó cũng rất quan trọng việc dự báo theo mùa, năm và nhiều năm về nguồn nước, thiên tai, lũ lụt, hạn hán đi kèm với hiện tượng La Nina, El Nino… để có kế hoạch sử dụng hợp lý và an toàn nguồn nước.
Theo các chuyên gia ở Việt Nam, đã đến lúc thay cho ngạn ngữ “Sẵn như nước lã” là câu nói “Quý như nước ngọt!”.
(Theo Trần Quang Vinh – tamnhin.net)