PGS-TS Lê Văn Trung, Trung tâm Địa tin học, Khu công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết: Việc khai thác, sử dụng nước ngầm tại TP hiện đã vượt mức 600.000 m3/ngày. Các tầng chứa nước ngày càng bị hạ thấp cùng việc hình thành các công trình xây dựng trên mặt đất đã gây biến dạng bề mặt địa hình (lún đất) tại nhiều khu vực của TP như quận 6, 11, 12, Bình Tân, Bình Chánh và Nhà Bè.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Việt Kỳ, Trưởng khoa Kỹ thuật địa chất và dầu khí ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng tình trạng ngập nặng hiện nay tại TP cũng một phần rất lớn bắt nguồn từ việc đô thị hóa, bê tông hóa. “Trước đây TP còn nhiều diện tích công viên, nhiều vườn cây nhưng giờ nhìn đâu cũng bịt kín bằng bê tông, mưa rơi xuống không có chỗ thấm nên đổ ra đường gây cảnh ngập úng. Điều này gây thất thoát một lượng nước ngầm rất lớn và đi ngược với xu thế môi trường hiện nay” – ông Kỳ nói.
Nhận thức được tầm quan trọng của tài nguyên nước ngầm, năm 2007, UBND TP đã ban hành Quyết định 69 cấm khai thác nước dưới đất trên địa bàn 30 phường thuộc 13 quận. Theo các nhà khoa học, TP cũng đã đặt hàng các đề tài có liên quan với giới nghiên cứu nhưng tốc độ triển khai còn chậm.
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP, cơ quan quản lý nhà nước chưa quan tâm đúng mức và chưa đầu tư tương xứng cho việc bảo vệ nguồn nước. Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các nhà khoa học, các ngành chức năng có liên quan tổng hợp các ý kiến, báo cáo Bộ TN&MTvà UBND TP. Sở cũng sẽ tổ chức các chương trình tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân TP trong việc sử dụng tiết kiệm và bảo vệ nguồn tài nguyên nước.