– Theo báo cáo kết quả đánh giá tác động biến đổi khí hậu, 3 huyện ven biển gồm: Bình Đại, Thạnh Phú và Ba Tri là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề do tác động của biến đổi khí hậu. Theo kịch bản B2 (kịch bản trung bình nước biển dâng do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2009), đến năm 2050, nước biển dâng 30cm thì diện tích tự nhiên của huyện Bình Đại bị ngập 16,23% (tương đương với diện tích 60,27km2), Thạnh Phú là 15,61% (tương đương với diện tích 60,01km2) và Ba Tri là 14,32% (tương đương với diện tích 47,43km2). Theo đó, diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập là 7,8% (tương đương 23,19km2) trên tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh, trong đó 3 huyện ven biển bị ảnh hưởng nặng. Ngoài ra, loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ (nghêu, ngao, sò…) có thể bị chết hàng loạt do không chống chịu nổi với nồng độ muối, nhiệt độ thay đổi bất thường.
Trên địa bàn tỉnh có 3.598ha đất phủ rừng, phân bố dọc theo chiều dài bờ biển của 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Bến Tre có hệ sinh thái rừng ven biển (rừng ngập mặn) đa dạng và phong phú. Dưới tác động biến đổi khí hậu, hệ sinh thái rừng suy thoái diễn ra nghiêm trọng hơn, làm cho các loài động vật, thực vật suy giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế người dân ven biển.
Đời sống của người dân ở những vùng được xem là nhạy cảm sẽ như thế nào, thưa ông?
– Tình hình xâm nhập mặn chiếm hầu hết diện tích khu vực của 3 huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú, tài nguyên nước ngầm khu vực này có chất lượng, trữ lượng kém. Do đó, khu vực ven biển phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt (theo thống kê từ năm 1995-2008 thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra làm 132.700 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt), sản xuất và phát triển nông nghiệp, bức xúc nhất là người dân thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Kịch bản đến năm 2050, biên độ mặn 4‰ tiến sâu vào đất liền cách cửa biển hơn 50km.
Song song đó, khí hậu nóng ẩm hơn tạo điều kiện thuận lợi cho các loài vi khuẩn, nấm mốc phát triển, tăng khả năng gây ra dịch bệnh, nhất là sự bùng phát các dịch bệnh liên quan đến nước sạch và vệ sinh môi trường, như: tiêu chảy, sốt xuất huyết, bệnh giun sán ký sinh trùng, suy dinh dưỡng trẻ em… BĐKH làm cho sức chịu đựng của con người giảm sút, các loại dịch bệnh tăng, đòi hỏi phải có chiến lược lâu dài về chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Để chủ động ứng phó với BĐKH, nhất là ở những khu vực được xác định chịu sự tác động nặng nề, chúng ta cần phải làm gì?
– Điều trước tiên là tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao năng lực và nhận thức của cộng đồng, chú trọng đến xây dựng chương trình tập huấn cho các đối tượng trực tiếp tham gia công tác ứng phó với BĐKH và nước biển dâng. Ngoài ra, vai trò của báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng cũng góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về BĐKH. Ngoài ra, chúng ta cần lồng ghép nội dung giáo dục về ứng phó với BĐKH và nước biển dâng vào chương trình giảng dạy của nhà trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường cần quy hoạch tài nguyên nước và quản lý việc thực hiện quy hoạch, kiểm soát các nguồn nước thải xả vào môi trường nước. Trong nông nghiệp, cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bảo tồn các giống cây trồng vật nuôi bản địa, lai tạo những giống mới có năng suất, chất lượng cao thích nghi với tác động BĐKH và nước biển dâng. Tỉnh cần tăng cường công tác trồng rừng ven biển, trồng cây phân tán, duy trì và phát triển sinh kế cho người dân sống ven rừng, đồng thời nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới cơ sở hạ tầng phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và tăng cường phòng, chống các dịch bệnh.
Người dân ở những vùng nhạy cảm với tác động của BĐKH cần tích cực phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác ứng phó với BĐKH, tham gia các buổi tập huấn do các ngành chức năng tổ chức để có sự hiểu biết về BĐKH; đồng thời, có ý thức sử dụng tiết kiệm điện, nước, tái chế các vật dụng có thể sử dụng lại; tham gia trồng cây xanh bảo vệ môi trường.
Xin cảm ơn ông!
(Theo Quốc Đại – baodongkhoi.com.vn)