Sử dụng tài nguyên nước ở Úc

Ảnh minh họa
Không ai có thể tồn tại nếu không có nước nhưng con người vẫn có thể sống tốt nếu không có kim cương. Vậy tại sao nước lại rẻ hơn kim cương? Adam Smith, một người Úc thắc mắc.
Nhu cầu nước ở Úc sẽ tăng 76%

Dĩ nhiên, việc so sánh giá trị giữa nước với kim cương là khập khiễng. Vấn đề mà Adam Smith, một người khá hiểu biết về cuộc sống và kinh tế học, cốt ý nói ở đây chỉ là sự ‘khó hiểu’ về việc con người chưa định giá, cung cấp và sử dụng nguồn tài nguyên cực kỳ quan trọng như nước một cách hiệu quả.

Đối với nước Úc, nơi dân số đang gia tăng mạnh và khan hiếm nước trong nhịp sống thường ngày, thì nguồn tài nguyên nước rất được quan tâm.

Rebecca Gill, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu độc lập, đã công bố báo cáo nghiên cứu về ‘Việc cung cấp nước sạch cho dân số Úc đang gia tăng’.

Báo cáo Các thế hệ dân số năm 2010 của Bộ Ngân khố Úc dự báo dân số Úc sẽ tăng 63%, lên tới 35.9 triệu người vào năm 2050. Do 85% dân số Úc sống ở vùng đô thị, số dân tăng thêm sẽ tập trung chủ yếu ở các thành phố. Tổ chức Dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt Úc (WSAA) dự đoán đến năm 2056, nhu cầu nước sẽ tăng 76%.

Nước dùng trong các hộ gia đình chỉ chiếm khoảng 13% lượng nước tiêu thụ, trong khi nước phục vụ sản xuất nông nghiệp chiếm 50%.

Do vậy, các nhà hoạch định chính sách lập kế hoạch cung cấp, sử dụng và chi phí nước sạch cho tương lai cần tập trung vào các thành phố ở Úc hơn các khu vực nông thôn và nông nghiệp.

Thách thức về nguồn nước

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu nhân khẩu học nổi tiếng Bob Birrel tin rằng các thành phố của Úc sẽ phải định hướng lại chiến lược phát triển dân sinh và cơ sở hạ tầng ‘một cách hoàn toàn’ để đáp ứng nhu cầu về nước ngày càng gia tăng. Thực tế tăng trưởng dân số không đảm bảo được việc đại tu đồng bộ cơ sở hạ tầng nước và đô thị.

Với lượng mưa hàng năm thấp nhất trong các châu lục (trừ Nam cực), người dân Úc luôn phải có kế hoạch tìm kiếm nguồn cung cấp nước đáng tin cậy. Tuy nhiên, nước Úc hiện khai thác dưới 10% nguồn nước ngọt, nghĩa là mỗi người có khoảng 19.700 mét khối nước mỗi năm, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 4.300 mét khối/người.

Thách thức về nguồn nước ở Úc không phải là lượng mưa mà do sự phân bố lượng mưa rất đa dạng.

Sự phân bố đa dạng lượng mưa không chỉ thể hiện theo mùa mà còn theo từng năm. Thời kỳ khô hạn El Niño mới chấm dứt gần đây và nước Úc đang trải qua thời kỳ La Niña với lượng mưa lớn.

Kế hoạch dài hạn về nước có thể đảm bảo nguồn cung cấp nước ổn định trong các giai đoạn khô hạn hoặc mưa nhiều này. Tuy nhiên, sau một thập kỷ khô hạn, các nhà hoạch định chính sách ở Úc cảm thấy lưỡng lự chưa muốn từ bỏ tâm lý sử dụng đập ngăn nước.

Trước đây, đập ngăn nước được xây dựng để ổn định nguồn cung cấp nước đáng tin cậy và là nơi dự trữ nước khổng lồ. Thời kỳ xây đập nước cuối cùng chấm dứt vào năm 1990. Tuy nhiên, quan điểm xây dựng thêm những đập nước mới được đề cập đến rất nhiều trong các cuộc tranh luận về dân số.

Hầu hết ở các dòng sông ở Úc đã được xây dựng ít nhất một đập ngăn nước. Có thể nếu việc xây đập nước mới không được coi là một lựa chọn thì Chính phủ Úc cần xem xét các lựa chọn khác như nguồn cung cấp nước mới, công nghệ và việc định giá nước sạch.

Tái chế nước

Phương pháp tái chế nước và khử muối từ nước biển có chi phí cao và tiêu tốn năng lượng. Tuy nhiên, hai phương pháp này không phụ thuộc vào lượng mưa và có thể hỗ trợ các đập chứa nước cung cấp nước cho lượng dân số đang tăng trưởng ở Úc.

Tái chế nước có thể bổ sung hàng triệu lít nước cho nguồn cung cấp nước đô thị. Với công nghệ tiên tiến hơn, tỉ lệ tái sử dụng nước trên đầu người trên khắp nước Úc đã tăng từ 7 mét khối nước vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước lên tới 21 mét khối nước vào năm 2004/05.

Tuy vậy, trong 5 năm vừa qua, tỉ lệ nước tái chế trong nguồn cung cấp nước tổng thể vẫn duy trì ở mức 4%.

Hầu hết các thành phố chính của Úc đều nằm ở ven biển. Việc áp dụng phương pháp khử muối nước biển có khả năng cung cấp lượng lớn nước sinh hoạt đáp ứng nhu cầu nước đô thị trong một tương lai không xa.

Hiện tại, các nhà máy khử muối nước biển cung cấp khoảng 0,3% tổng lượng nước ăn. Tổ chức Dịch vụ Nước sinh hoạt Úc (WSAA) dự đoán tổng công suất của 6 nhà máy khử muối nước biển tại các thành phố lớn (Sydney, Melbourne, Đông Nam Queensland, Perth và Adelaide) sẽ có thể đáp ứng nhu cầu nước bổ sung theo dự đoán đến năm 2026.

Sử dụng các thiết bị tiết kiệm nước

Các thiết bị sử dụng nước hiệu quả cũng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc tiết kiệm nước.

Sử dụng vòi hoa sen và bồn cầu có hai nút giật nước hay thiết bị phát hiện nước rò rỉ hoặc các loại máy giặt hầu như không dùng nước, các hộ gia đình có thể tiết kiệm lượng nước tiêu thụ, giảm áp lực đối với cơ sở hạ tầng nước sinh hoạt hiện nay trong tình trạng dân số đang gia tăng.

Thông qua các chương trình quản lý nhu cầu, giảm tỉ lệ nước rò rỉ và tăng cường lượng nước tái chế, Sydney đã duy trì lượng nước sử dụng theo mức của những năm 1970 trong khi dân số của thành phố này đã tăng thêm 1,3 triệu người.

Cơ chế định giá nước

Cơ chế định giá đa dạng tùy thuộc vào mức độ khan hiếm nước cũng có thể giúp điều chỉnh nguồn cung nước sạch trong khi mức nước dự trữ ở các đập ngăn nước giảm xuống.

Bằng việc định giá nước cao khi mực nước dự trữ trong đập thấp và ngược lại, người dân có thể có nguồn cung cấp nước liên tục. Thay cho việc hạn chế lượng nước còn lại trong đập thông qua các quy định nghiêm ngặt hoặc định giá nước cao vĩnh viễn, việc định giá nước cao tạm thời có thể đảm bảo cho các nhà máy khử muối nước biển cung cấp lượng nước bổ sung theo nhu cầu.

Để có thể thực hiện cơ chế định giá nước như trên, Chính phủ Úc cần có hệ thống đo lượng nước tiêu thụ chính xác trong các đô thị. Theo Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế, Úc đã đo lượng nước tiêu thụ của 84% hộ gia đình vào năm 2008. Thụy Điển, Pháp, và Cộng hòa Czech đã đo được lượng nước tiêu thụ ở 100% hộ gia đình.

Mặc dù đo lượng nước tiêu thụ ở các căn hộ riêng lẻ khó khăn hơn so với ở các ngôi nhà biệt lập, việc tăng cường đo lượng nước tiêu thụ cũng có nghĩa là giá nước nằm trong toàn bộ chi phí dịch vụ.

Vấn đề cung cấp nước và định giá nước hợp lý vẫn đang là điều được quan tâm ở Úc. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Rebecca Gill, đây là những vấn đề có thể giải quyết bằng sự khéo léo, các ý tưởng mới mẻ cũng như dựa vào các tiến bộ công nghệ.


 

(Theo The economics of water in a growing population)