Sử dụng nguồn nước nhiễm Asen ở Hà Nội: Những cái chết được báo trước?

(GĐVN) Hàng trăm hộ dân thuộc cụm dân cư khu nhà ở N01, N02, N03, N04, N05 thuộc xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm (Hà Nội) giờ như ngồi trên đống lửa. Từ ngày phát hiện ra nguồn nước sinh hoạt bấy lâu do Công ty Cổ phần đầu tư Bất động sản Hà Nội cung cấp bị nhiễm Asen, các hộ dân trở nên hoang mang, lo sợ.

Sau gần 5 năm sử dụng nguồn nước có độc tính, có ai dám khẳng định, trong người không có bệnh, khi đã có không ít trường hợp phát hiện bị ung thư, sừng hóa lan khắp cơ thể…? Asen độc hại thế nào? Sau thời gian dùng nguồn nước nhiễm Asen, nỗi lo sợ đang bao trùm cả khu nhà ở N01, N02, N03, N04, N05 thuộc xã Mỹ Đình. Cuộc sống, hàng trăm hộ dân ở các khu này giờ chẳng khác nào bị đầy ải, vật lộn với những điềm xui xẻo được dự báo từng ngày. Người dân lo lắng, nguồn nước mình dùng bị nhiễm chất Asen mà không hề hay biết. Chỉ đến khi người dân không chịu nổi nguồn nước đục ngầu, váng bẩn đưa đi xét nghiệm thì mới biết rằng trong nguồn nước của khu dân cư mình đang dùng có chất Asen độc hại vượt gấp 37 – 43 lần cho phép. Vậy Asen là gì? Chất này ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống người dân? Độc tố cụ thể và triệu chứng của nó sẽ ra sao? Người dân chỉ biết rằng, đã có không ít gia đình gánh chịu hậu quả đau đớn khi đã lỡ sử dụng nguồn nước nhiễm Asen.

vv146

Theo Từ điển Bách khoa Dược học xuất bản năm 1999, Asen là chất kịch độc hay còn gọi là thạch tín. Yếu tố gây nhiễm độc Asen là do nước ngầm khai thác thành nước ăn uống. Trong nước uống, Asen không thấy được, không mùi vị, vì thế không thể phát hiện khi không có phương tiện thử nước. Người dùng nước uống có nhiễm chất Asen phải từ 5 đến 15 năm mới thấy xuất hiện triệu chứng. Vì thế, người uống nước nhiễm Asen lâu ngày sẽ có triệu chứng như có các đốm sẫm màu trên thân thể hay đầu các tứ chi, đôi khi gây niêm mạc trên lưỡi hoặc sừng hóa trên bàn tay, bàn chân. Asen có thể gây ung thư gan, phổi, bàng quang và thận, gây bệnh tim mạch, cao huyết áp….

“Với triệu chứng như vậy thì tôi và tất cả các hộ dân ở khu này đều bị nhiễm chất độc Asen. Và như vậy, đã có những cái chết được báo trước” – Ông Tô Minh Kiên, Tổ trưởng dân phố chung cư N01 nhận định. Theo lời ông Kiên, ngoài việc bị mẩn ngứa, á sừng chân tay ở khu này đã có nhiều trường hợp bị ung thư và chết. Hiện người dân thật sự lo lắng và hoang mang cực độ khi đã dùng nước nhiễm Asen một thời gian dài.

Nỗi thống khổ giữa lòng thủ đô Với các hộ dân ở cụm dân cư ở Mỹ Đình, sau khi phát hiện ra nguồn nước bị nhiễm độc tính thì ai nấy đều trở nên hoang mang, lo lắng. Để phóng viên hiểu rõ hơn cuộc sống của các hộ dân nơi này, ông Kiên đã dẫn chúng tôi đến nhiều gia đình để kiểm chứng. Vắng vẻ, âu sầu nhất trong khu nhà cao tầng NO1 là phòng 806. Ông Kiên cho biết, trong phòng này có thanh niên rất trẻ vừa ra trường nhưng mắc phải bệnh ung thư. Khi chúng tôi đến, không gặp được chàng thanh niên đang mắc bệnh mà gặp người là anh Nguyễn Minh Quang (quê Hòa Bình). Theo Quang, đây là ngôi nhà của cô ruột, anh vừa mới chuyển về đây trông nhà hộ cô. Thời gian trước ngôi nhà này cô của Quang cho bốn người cháu sinh sống và học tập. Tuy nhiên, sau gần 5 năm dùng nguồn nước của Công ty Cổ phần đầu tư Bất động sản Hà Nội cung cấp, cả bốn người đều mắc bệnh nặng, trong đó có người mắc bệnh ung thư, có người bị á sừng, tay, chân đều bị nổi mẩn. Đến khi biết nguồn nước ảnh hưởng đến sức khỏe, mọi người đã chuyển ra ngoài ở. “Bây giờ cả khu này chẳng ai dám dùng đến nguồn nước do công ty C’LAND cung cấp mà phải ra ngoài mua nước về dùng” – Anh Quang cho hay.

vv147

Bi đát không kém là gia đình chị Hà ở phòng 801. Mặc dù khi gặp chúng tôi, chị Hà tỏ ra ái ngại không dám chia sẻ về căn bệnh mà mình đang mắc phải, nhưng nhìn đôi bàn chân của chị bị á sừng “ăn” mòn khiến chúng tôi không khỏi xót lòng. “Từ ngày biết nguồn nước bị nhiễm độc tố cao, các hộ gia đình đều hoang mang, suy sụp. Dù biết dùng nguồn nước độc hại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng người dân vẫn không dám đi kiểm tra. Một phần vì đi kiểm tra phát hiện ra bệnh sẽ làm cho cuộc sống của mỗi gia đình bị xáo trộn” – Anh Nguyễn Nhật Thăng cũng chung tòa nhà với chị Hà cho hay.

May mắn hơn nhiều hoàn cảnh khác, sau khi thấy nguồn nước của công ty C’LAND cung cấp không đảm bảo, anh Thăng đã chuyển sang dùng nước đóng bình để nấu ăn. Vì thế, cả nhà anh Thăng không ai bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Anh Thăng cho biết: Từ năm 2007 khi tòa nhà bắt đầu được chuyển giao đến cho các hộ dân thì người dân đã phải sử dụng nguồn nước do Công ty CPĐT BĐS Hà Nội cung cấp. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, dân đã phát hiện ra nguồn nước đục, rất bẩn. Thời điểm đó, công ty này đã cam kết sẽ cung cấp nước sạch cho người dân, nhưng đâu ngờ các hộ dân đều phải sử dụng nguồn nước giếng khoan. Khi thấy nguồn nước không đạt tiêu chuẩn do có nhiều cặn bẩn nên người dân bắt đầu có ý kiến lên công ty.
Sau nhiều lần cho khắc phục bằng cách thau, rửa nhưng không hiệu quả, phía công ty tiếp tục cho người đến làm sạch đường ống để cho nước trong. Tuy nhiên, người dân vẫn nghi ngờ đến chất lượng, nên đã lấy mẫu nước mang đi xét nghiệm và kết quả cho thấy hàm lượng Asen là 370 – 432 (gấp 37-43 lần mức cho phép)” – Anh Thăng cho hay.

Theo các hộ dân ở đây, mọi người đang chịu nỗi đau rất lớn về tinh thần lẫn thể xác. Họ sống chẳng khác nào địa ngục, lo âu. Ông Bùi Quang Nhượng, tổ phó cụm dân cư khu nhà NO1 than thở: Cả khu này, giờ sống trong lo lắng. Với nguồn nước nhiễm Asen nên sau mỗi lần gội đầu, tóc vợ tôi và nhiều người phụ nữ ở khu đều rụng đi rất nhiều. Đó là chưa kể đến trẻ con, người lớn bị mẩn ngứa, dị ứng, ngất xỉu xảy ra liên tục. Bên cạnh đó, các gia đình ở khu này nuôi cá cảnh đều bị chết hết, chẳng ai nuôi nổi với nguồn nước có độc tố nhiễm asen cao như khu này.

Bao trùm lo âu

Không những bị ung thư và bệnh tật mà với các hộ dân khi dùng đến nguồn nước nhiễm Asen đang đứng trước nỗi lo riêng. Chị Đặng Thùy Linh ở tòa nhà NO1 cho biết: “Sau gần 5 năm dùng nước chứa chất Asen thì chúng tôi đã trải qua không ít lần dị ứng mẩn ngứa. Căn bệnh ngoài da thì phát hiện được kịp thời, nhưng bệnh di căn bên trong thì ai có thể ngờ tới được”. Theo chị Linh, do chị không biết nguồn nước gia đình mình là giếng khoan nên sau khi sinh con, chị đã dùng chính nguồn nước đó để tắm cho em bé. “Con tôi mới được 3 tháng, nhưng gia đình dùng phải nước nhiễm Asen nên giờ tay, chân cháu nổi mẩn rất nhiều. Có lẽ vì thế mà cháu rất hay khóc. Hiện chúng tôi đã mua nước đóng bình sinh hoạt thay cho nguồn nước đang bị nhiễm bệnh” – Chị Linh cho hay.

Từ thực tế nguồn nước bị nhiễm Asen, không ít gia đình đã “sơ tán” đi nơi khác để tránh tình trạng nhiễm bệnh. “Đã có không ít gia đình rao bán nhà nhưng chẳng ai mua. Gia đình nào có ở lại thì mỗi ngày cũng mất hàng trăm nghìn để mua nước đóng bình về dùng. Một thời gian dài dùng nước nhiễm Asen, đến thời điểm này, người dân đều đứng trước tâm trạng sợ một ngày nào đó, họ mắc phải bệnh hiểm nghèo như một số người dân đã phát hiện ra bệnh” – Nhiều hộ gia đình lo lắng.

Theo ông Tô Minh Kiên, Tổ trưởng dân phố chung cư N01 cho biết, mặc dù khi người dân đưa mẫu nước đi xét nghiệm phát hiện có chứa chất Asen nhưng phía Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Hà Nội vẫn cho rằng: Công ty khẳng định chất lượng nước đảm bảo theo quy định của tiêu chuẩn hiện hành. “Tiêu chuẩn kiểu gì mà họ thuê người đổ hóa chất vào trạm xử lý nước? Nước sạch kiểu gì mà lúc nào cũng đục ngầu, váng bẩn? “Những gì mà công ty này làm với dân chúng tôi sẽ khởi kiện” – Các hộ dân bức xúc.

Trước sự việc đang xảy ra, phía Công ty CPĐT BĐS Hà Nội hứa sẽ đấu nối hệ thống nước sạch Sông Đà với hệ thống nước tòa nhà. Tuy nhiên vấn đề lúc này, nhiều câu hỏi được người dân đặt ra: Nguồn nước ở các khu vực xung quanh khu Mỹ Đình liệu có được đảm bảo? Sức khỏe của người dân sau một thời gian dài sử dụng nguồn nước nhiễm Asen sẽ thế nào? Trách nhiệm xử lý công ty sau một thời gian dài để người dân sử dụng nguồn nước nhiễm chất độc Asen sẽ ra sao? Những câu hỏi này xin được gửi đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết nhằm đảm bảo sức khỏe, quyền lợi cho người dân.



(Theo Baomoi.com)