Sống trên “sa mạc đá”

vv3Xe ô tô chở chúng tôi rẽ vào đường dưới vách núi đá dựng đứng của xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Biết đi rất gian khó nhưng cả đoàn ai cũng háo hức “leo núi, với mây” mặc cái rét dưới 5 độ C để đến đỉnh núi xa kia – đất biên cương nơi bà con dân tộc Dao, xóm Cà Lò, Mác Nẻng đang sống gian khó, kiên cường.

Hiếm nước – đói đứt bữa

Trong đường núi, chúng tôi thấy bà con dắt ngựa thồ hàng đi từng bước nặng nhọc ở phía trước.

– Có đường ô tô đi sao bà con vẫn dắt ngựa thồ hàng vậy chị? Tôi hỏi chị Tô Thị Lợi, Phó Bí thư Thường trực huyện Bảo Lạc. Chị nói: “Đường từ trung tâm xã đi xóm Lũng Khuyết, Lũng Rì, Cốc Lại, Lũng Pjao rồi leo ngược núi lên Mác Nẻng, Cà Lò chỉ hơn 10km nhưng toàn dốc đá hiểm trở, nhiều đoạn thi công chưa xong. Mưa dai dẳng nền đường hẹp, đất đỏ và đá trơn trượt không có xe nào đi an toàn bằng ngựa. Trước năm 2008, đây là đường mòn rộng chỉ bằng lưng con ngựa thồ. Năm 2009, con đường này bắt đầu thi công đến nay vẫn chưa xong vì quá hiểm trở”.

Quá 12h trưa chúng tôi đến nơi. Đại diện 37 hộ xóm Mác Nẻng, Cà Lò đã ngồi đợi từ sáng sớm. Chị Lợi biết tiếng Nùng, Dao ân cần động viên bà con: “Đoàn công tác tỉnh, huyện đem quà Tết đến tặng nhưng không thể bù đắp hết khó khăn của dân bản, vì bà con không đủ cái ăn, nước sinh hoạt, ít đất canh tác và không đường, điện, trạm xá”.

Qua thông dịch của Thiếu úy Triệu Văn Khe, dân tộc Dao, Tổ công tác Đồn biên phòng Xuân Trường, Chảo Sềnh Phây – Trưởng xóm Mác Nẻng và Chảo Khì Nhan – Trưởng xóm Cà Lò bộc bạch với chúng tôi: Đâu chỉ chờ trời mưa mới có nước dùng. Hiếm nước nên nhà nào cũng tằn tiện từng gáo. Đến tháng 9 hết mùa mưa thì cạn bể dự trữ. Dân bản đi bộ mấy cây số đường núi đến xóm Lũng Diểm, Nà Po (Trung Quốc) mua nước sạch rồi gùi về. Chờ “nước trời” chưa đủ sống nên trồng ngô vụ xuân – hè trên hốc đá như đánh đố với “ông trời” cho mưa hay không. Mất mùa liên miên, từ tháng 9 đến tháng 12 cả bản “đói đứt bữa”.

Theo chân Chảo Sềnh Phẩy, chúng tôi đến xóm Mác Nẻng. Cảnh sống trên “sa mạc đá” khô khát khiến chúng tôi không khỏi nao lòng. Cả xóm không có cây to nào, chỉ trơ trọi nhà sàn chênh vênh giữa vách núi. Đến đầu xóm, Chảo Sềnh Phẩy chỉ cho chúng tôi hốc đá sâu hơn 50cm, có một ít nước dưới đáy do trời vừa mưa mấy hôm trước còn đọng lại. Vũng nước này để cho mấy con bò của xóm uống. Nhà nào cũng vậy, bể nước khô khốc. Máng hứng nước trên mái nhà làm bằng cây vầu nứt toác, cong keo vì lâu ngày không ngấm nước mưa. Trong ngôi nhà sàn tuềnh toàng, trống hoác của Chảo Sềnh Phẩy, 5 đứa trẻ đang ngồi bên bàn ăn bữa trưa với món duy nhất là cháo ngô đựng trong cái bát to. Không có rau, cũng chẳng có nước canh. Bọn trẻ đen đúa từ đầu đến chân, run lập cập vì không có áo ấm mặc. Phẩy nói: “Ba ngày một lần đi mua nước gùi về được hơn chục lít nên nước chỉ đủ nấu cháo ngô. Tiền mua nước chẳng nhiều nhưng sang đó không tìm được việc làm thuê thì chẳng có tiền mua nước.”

Một tấc đất, nghìn gian nan

– Để bà con sống gian khổ trên núi đá không có nước và đất canh tác, sao huyện không tính việc “hạ sơn” cho các xóm?

Nghe chúng tôi thắc mắc, chị Lợi giải thích: “Huyện, rồi Đồn Biên phòng Xuân Trường đã bàn tính nhiều phương án giúp bà con. Nhưng không đơn giản cứ hạ sơn là “thượng sách”. Xóm Mác Nẻng, Cà Lò, Hò Lù trên núi kia là ranh giới của các cột mốc. Nếu hạ sơn thì không ai giữ đất biên giới.”

Thiếu úy Triệu Văn Khe dẫn chúng tôi đến cột mốc trên đất Mác Nẻng, Cà Lò bước sang là đất Nà Po (Trung Quốc). Anh Khe cho biết: “Trước năm 2009, khi ta chưa hoàn thành hiệp thương phân giới cắm mốc với Trung Quốc, bà con ở đây thực hiện các quy định để hiệp thương. Phân giới cắm mốc xong, hiệp định đã ký kết không thể để xóm trắng. Bà con vẫn ở đây và thường xuyên cùng cán bộ, chiến sĩ biên phòng đi tuần tra, bảo vệ đường biên mốc giới.”

Nghe chị Lợi kể và tận mắt chứng kiến cuộc sống của ngươi dân nơi đây, chúng tôi thấm thía: Một mái nhà, bể nước, lớp học cho xóm và một ngày sống ở nơi đây phải đổ xuống không biết bao nhiêu giọt mồ hôi, hàng vạn bước chân bấm núi của bà con, cán bộ huyện, xã, bộ đội biên phòng và thầy cô giáo cắm bản đã nặng lòng gắn bó với mảnh đất biên cương gian khó này. Tìm hướng thoát đói nghèo bền vững cho bà con là vấn đề mà cấp ủy, chính quyền huyện trăn trở, quyết tâm.

 

 

 (Theo Monre.gov.vn)