Đến nơi nhức nhối nhất về ô nhiễm tại Dương Liễu, ông Nguyễn Phi Đức, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Dương Liễu cho biết: Chỉ riêng xã Dương Liễu đã có tới hơn 2600 hộ, chiếm tới 70% số hộ tham gia sản xuất. Đây là xã có truyền thống từ những năm 60 về sản xuất, chế biến nông sản, đến năm 2000, được công nhận là làng nghề, sản xuất được mở rộng, kéo theo đó, ô nhiễm gia tăng “ngoài sức tưởng tượng”.
Theo ông Đức, khu xử lí chất thải của làng nghề tại Dương Liễu được đầu tư xây dựng từ năm 1994, 10 năm sau mới hoàn thành. Đến nay, giao cho Công ti TNHH Mặt Trời Xanh quản lí nhưng không phát huy hiệu quả và cũng không khắc phục được tình trạng ô nhiễm do công suất quá nhỏ so với thực tế.
Tiếp xúc với các hộ sản xuất ở đây, mới thấy mức độ ô nhiễm cúa môi trường ngày càng nặng”. Để sản xuất một tấn tinh bột sắn, cần từ 10 đến 15 mét khối nước còn để sản xuất một tấn tinh bột dong, lượng nước sử dụng gấp tới hơn ba lần. Như vậy, nỗi ngày, hàng trăm tấn bã thải, hàng chục nghìn mét khối nước thải của làng nghề chưa qua xử lí, đã được tự do xả vào hệ thống kênh rồi theo đó đổ ra sông Đáy.
Ông Đức bảo “trên huyện đang họp, chuẩn bị lập dự án lên tới 260 tỉ để xử lí chất thải và nước thải làng nghề tại Dương Liễu”, tôi khấp khởi mừng. Nhưng liên tưởng đến dự án trước chỉ có vài tỉ đồng mà tới tận 10 năm mới hoàn thành, thì… niềm vui bỗng hụt hẫng.
Cho đến giờ, hầu hết nước thải và chất thải của các hộ dân sản xuất tại Dương Liễu và 2 xã lân cận là Cát Quế và Minh Khai vẫn đổ thẳng ra môi trường. Con sông vẫn oằn mình gánh chịu ô nhiễm suốt mấy chục năm qua. Ông Đức phân trần rằng, “ô nhiễm chủ yếu do ý thức của người dân và hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ”, còn “mặt tích cực của làng nghề là đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của xã, của huyện, nâng cao đời sống của nhân dân.”
Cũng chẳng trách được. Thực tế ấy đúng lắm. Rằng đang nghèo, rằng đang phát triển, rằng phải lo cuộc sống hàng ngày, thì phải chấp nhận.
Đã qua rồi thời kỳ phát triển kinh tế bắt chấp mọi giá. Bảo vệ môi trường, sự hài hoà với thiên nhiên chính là chứng chỉ của một nền kinh tế phát triển bền vững.
Nhưng dường như ô nhiễm và tăng trưởng kinh tế vẫn là một nghịch lí phát triển của các làng nghề, không chỉ dọc con sông Đáy.
Từ Hoài Đức xuôi dòng về Chương Mỹ rồi qua Mỹ Đức, nhiều làng nghề “điếc không sợ súng”, dù đã bị xử phạt về việc xả nước thải độc hại ra môi trường nhưng rồi vẫn “đâu vào đấy”, tiếp tục đầu độc dòng sông Đáy. Người dân cho tôi hay đến nay, “xóm thùng phuy” vẫn chưa được giải tán còn các cơ sở tẩy, nhuộm, hấp tại Phùng Xá thì vẫn ngày đêm rỉ rả ra sông Xử lí chưa triệt để? Họ đang thách thức pháp luật? Hay pháp luật đang thách thức thực tiễn vì những điều, những khoản chưa sát, chưa nghiêm ?
Với tiếng búa chát chúa suốt ngày đêm, những hàng thùng phuy chất cao ngất ngay ven Quốc lộ 6, dễ dàng nhận ra “xóm thùng phuy” danh bất hư truyền suốt mấy năm qua, nằm chềnh ềnh dưới chân cầu Mai Lĩnh (thuộc xã Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội).
Một người dân sống gần khu vực cho biết: Các hộ gia đình này làm nghề “mổ” thùng phuy từ năm 1996. Thùng phuy mua về được súc rửa, nung, đục, tán, ngâm hóa chất trong những bể xút (dung dịch NaOH) nồng độ đậm đặc để xử lý.
Rác, cặn và nước thải của tất cả công đoạn này – trời ơi- đều đổ thẳng ra sông Đáy ngay phía sau.
Dân Đồng Mai đã tưởng vui mừng khi tháng 5-2009, UBND quận Hà Đông có công văn 422/UBND yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp UBND xã Đồng Mai xử phạt nghiêm khắc những hộ gây ô nhiễm môi trường và giải tán lập tức “xóm thùng phuy”. Nhưng gần hai năm trôi qua, “xóm thùng phuy” vẫn ngang nhiên tồn tại.
Chưa hết bàng hoàng với “xóm thùng phuy”, khi xuôi về Phùng Xá (Mỹ Đức, Hà Nội), được biết đã hơn một năm trôi qua kể từ khi các cơ sở hấp, tẩy, nhuộm khăn bông ở đây bị Cục Cảnh sát môi trường xử phạt (tháng 12-2009), đến nay, tình trạng xả thải vẫn tiếp tục. Lí do đơn giản bởi các doanh nghiệp ở đây vẫn tiếp tục sản xuất, trong khi các dự án xử lí nước thải chỉ nằm trên giấy.
Khi tìm gặp ông Nguyễn Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Phùng Xá xác minh những thông tin này, ông Kiên cho biết: “Hiện vẫn chưa có khu xử lí nước thải nào. Cuối năm 2010, sau khi bị xử phạt, một số công ty đã xây dựng đề án xử ly nước thải và đã được phê duyệt, nhưng đến nay, vẫn đang ở mức độ triển khai thực hiện.”
Xã Phùng Xá là một làng nghề chuyên sản xuất khăn bông. Các doanh nghiệp tẩy, nhuộm, hấp cung cấp nguyên liệu cho hàng nghìn hộ sản xuất ở đây. Hàng ngày, hàng nghìn mét khối nước thải chứa các loại hoá chất từ tẩy, nhuộm, hấp như: gia-ven, sút, sô-đa… không qua bất kỳ khâu xử lý nào theo các đường dẫn ngầm, đục qua mặt đê, xả thẳng vào sông Đáy.
Quan sát mắt thường cho thấy, chỉ trong khoảng 30 phút khi hoà nhập với nước sông, đoạn sông đổi màu liên tục, từ xanh đến nâu, rồi sang đỏ gạch, mùi các loại hoá chất bốc lên nồng nặc. Đã hàng chục năm qua, con sông phải “uống” nguồn nước thải độc hại này. Người ta buộc phải đặt câu hỏi, “xử lý” nên được hiểu là gì, là phạt cho tồn tại, là làm cho qua chuyện, chứ không phải nhằm răn đe triệt để nên các doanh nghiệp ở đây vẫn coi thường pháp luật?
Chưa hết, người dân ở đây còn cho biết, cùng với các cơ sở này, nước thải từ sông Nhuệ cũng xả nước ô nhiễm, đầu độc sông Đáy một cách không thương tiếc qua cống Thanh Ấm. Từ cầu Phùng Xá nhìn chếch xuôi dòng sông Đáy có thể dễ dàng nhận thấy cống Thanh Ấm nối một nhánh của sông Nhuệ xả nước vào sông Đáy. Chị Nguyễn Thị Bắc, nhà ngay cạnh cầu Phùng Xá kể: “Mỗi lần cống Thanh Ấm xả nước, bọt trắng cả khúc sông, mùi hôi nồng nặc, cá chết hàng loạt”.
Trao đổi với chủ tịch UBND xã Phùng Xá, ông Kiên cho hay: “Chuyện cống Thanh Ấm như nhân dân phản ánh là có thật. Có lần, cống xả nước, bọt cao hàng mét, lan trắng cả khúc sông dài hàng mấy trăm mét. Xã cũng đã kiến nghị nhiều lần trong các kỳ họp HĐND và cả tiếp xúc cử tri Quốc hội nhưng vẫn chưa thể giải quyết”.
Bao đổi thay kể từ khi con sông ô nhiễm. Từ thượng nguồn, nước ô nhiễm vẫn xuôi về hạ lưu, vẫn là nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu nông nghiệp.
Sông Đáy kêu không thấu. Người cũng kêu chưa thấu. Cứu sông tức là cứu người đang sống, những làng nghề đã và sẽ phát triển trong hội nhập bền vững, cứu sức khoẻ của các thế hệ mai sau, cứu một môi trường trong lành mà một khi đã mất đi, tốn kém rất nhiều cũng chưa chắc đã khôi phục được.
Dòng nước đen kịt, hôi hám của con sông từng là “sông trăng, sông lụa” trong quá khứ chưa xa kia, không phải là điều chúng ta hướng tới để xây dựng một xã hội giàu có, văn minh.
(Theo Đinh Hữu Dư – nhandan.org.vn)