Việc thay đổi hệ sinh thái, con người khai thác quá mức, ô nhiễm môi trường, sự xâm lấn của nhiều loài sinh vật ngoại lai và tình trạng nước biển dâng cao do sự biến đổi của khí hậu toàn cầu… đang là những áp lực với hệ thống sông Đồng Nai.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương – Phân viện Khí tượng và Thủy văn phía Nam dự báo: “Tình hình khan hiếm nước trên lưu vực sông Đồng Nai đã đến mức báo động, lượng nước bình quân đầu người năm 2010 chỉ ở mức 2.098m3/người/năm. Trong khi đó, theo Hội Tài nguyên nước quốc tế (IWRA), lượng nước bình quân hằng năm dưới 4.000m3/người là thiếu nước.
Theo đà này, đến năm 2020 lượng nước bình quân chỉ còn 1.770m3/người/năm; còn đến năm 2040 ở mức khan hiếm nước (1.475m3/người/năm). Sự cần thiết, cấp bách hiện nay là phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong lưu vực đối với việc quản lý tài nguyên nước, đây là chìa khóa cho việc sử dụng công bằng và bền vững nguồn tài nguyên nước”.
Tình trạng thiếu nước trên lưu vực sông Đồng Nai đã trở nên nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu và quản lý chưa bền vững. Việc tích nước (nhất là vào mùa khô) của các dự án thủy điện khiến tình trạng xâm nhập mặn phía hạ lưu càng trở nên trầm trọng, đe dọa đến an ninh lương thực và an sinh xã hội trên lưu vực sông Đồng Nai. Không thể chậm trễ, cần một cơ chế quản lý nhà nước đủ mạnh để điều phối công tác quản lý tài nguyên nước cho toàn lưu vực sông Đồng Nai
(Theo Công Trường – cand.com.vn)