Sông Ba đang chết

Khi chặn dòng để tích nước cho Thủy điện An Khê- Ka Nát, sông Ba hoi thóp “sống” qua ngày. Cá tôm chết, ô nhiễm nặng nề, nguồn nước cạn kiệt. Sông Ba tưởng đã chết.

Chuyện sông Ba cạn nước thực ra không phải là nguyên nhân duy nhất khiến cá tôm chết trụi, mà còn nguyên nhân khác là nguồn nước ô nhiễm. Từ ngày bị ngăn dòng, sông Ba từ bộ mặt trong xanh đã chuyển thành đen kịt. Mùa khô năm ngoái, người dân thị xã An Khê suýt… chết ngạt vì mùi hôi thối của sông Ba. Và cũng mùa khô đó, cá sông Ba chính thức “tuyệt chủng”.

Ông Lương Thành Công – Chủ tịch UBND phường Tây Sơn kể: “Khắp thị xã đâu đâu cũng ngửi thấy mùi hôi thối, trên sông, cá chết nổi trắng phau. Từ khi đóng dòng, kể cả mùa mưa lũ, nước trên sông Ba cũng chỉ xâm xấp, đục như quấy bùn. Bức xúc quá, thị xã đã huy động hàng ngàn dân ra sông nhặt rác, phát quang bụi bờ cho sông chảy. Song việc làm này chỉ là tình thế. Sông Ba đã chết ”.

Bà Đặng Thị Yến – Trưởng phòng TN&MT thị xã này cho hay: “Nguyên nhân khiến sông Ba ô nhiễm là do các nhà máy bên trên xả thải cũng như mực nước sông quá thấp. Thực tế các nhà máy này vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn khi xả thải ra môi trường, song do nước sông hầu như không chảy nên nước thải này đọng lại sinh ra yếm khí, ô nhiễm môi trường”.

Không chỉ ô nhiễm kinh khủng, mà hàng trăm ngàn cư dân làm nông nghiệp dọc sông Ba cũng điêu đứng vì thiếu nước. Dọc hạ lưu sông Ba hiện có khoảng hơn 300.000 dân của thị xã An Khê và các huyện Kông Chro, Ia Pa, KBang, Krông Pa (đều thuộc tỉnh Gia Lai). Theo tính toán, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của số dân này khoảng 14 triệu m3/năm và họ cần hơn 300 tỷ m3 nước phục vụ cho sản xuất. Đấy là chưa kể một lượng nước khổng lồ cần cho các nhà máy lớn đặt dọc con sông này. Trong khi đó, lượng nước mà người ta để lại cho sông Ba chỉ 4 m3 mỗi giây. Điều này đưa đến nhiều tác động tiêu cực hiển hiện rất rõ đối với hàng trăm ngàn người dân.

(Theo Monre.gov.vn)