Rà soát, điều tra cơ bản tài nguyên nước

Resize_of_TN_nuoc

(Chinhphu.vn) – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo về việc phê duyệt đề án Quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông liên tỉnh.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung tổ chức thực hiện việc rà soát, điều tra cơ bản tài  nguyên nước của cả nước, hướng dẫn các địa phương thực hiện điều tra cơ bản về tài nguyên nước trên phạm vi địa bàn; lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước chung của cả nước theo đúng quy định của Luật Tài nguyên nước. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành liên quan, tổ chức thẩm định, phê duyệt kế hoạch lập quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật hiện hành và triển khai thực hiện phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực trong thời gian tới. 

Theo Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 2.372 con sông lớn nhỏ có chiều dài từ 10km trở lên, trong đó có 109 sông chính. Trong số này có 9 sông là sông Hồng, sông Thái Bình, sông Bằng Giang-Kỳ Cùng, sông Mã, sông Cả, sông Vu Gia-Thu Bồn, sông Ba, sông Đồng Nai, sông Cửu Long và bốn nhánh sông là sông Đà, sông Lô, sông Sê San, sông Srê Pok đã tạo nên một lưu vực trên 10.000km2, chiếm khoảng 93% tổng diện tích của mạng lưới sông ngòi Việt Nam. 

Bên cạnh đó, Việt Nam có rất nhiều các loại hồ tự nhiên, hồ đập, đầm phá, vực nước có kích thước khác nhau tùy thuộc vào mùa. Một số hồ lớn được biết đến như hồ Lắk rộng 10km2 tại tỉnh Đắk Lắk, Biển Hồ rộng 2,2km2 ở Gia Lai, hồ Ba Bể rộng 5km2 tại Bắc Kạn và hồ Tây rộng 4,5km2 tại Hà Nội. Các đầm phá lớn thường gặp ở cửa sông vùng duyên hải miền Trung như Tam Giang, Cầu Hai và Thị Nại.

Việt Nam còn có hàng ngàn hồ đập nhân tạo với tổng sức chứa lên đến 26 tỷ m3 nước. Sáu hồ lớn nhất có sức chứa trên 1 tỷ m3 đang được sử dụng để khai thác thủy điện là hồ Hòa Bình, Thác Bà, Trị An, Dầu Tiếng, Thác Mơ và Ya Ly. Nhiều hồ và đập nhỏ hơn trên khắp toàn quốc phục vụ tưới tiêu như Cấm Sơn-Bắc Giang, Kể Gỗ-Hà Tĩnh và Phú Ninh-Quảng Nam.

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước hiện có hơn 3.500 hồ chứa lớn nhỏ và khoảng 650 hồ chứa cỡ lớn và trung bình dùng để sản xuất thủy điện, kiểm soát lũ lụt, giao thông thủy, thủy lợi và nuôi trồng thủy sản.

(Theo baodientu.chinhphu.vn)