RA MẮT MẠNG LƯỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ THÍCH ỨNG VỚI BĐKH TẠI ĐBSCL

tt78(TN&MT) – Sáng ngày 17/12/2010, Trung tâm bảo tồn và phát triển tài nguyên nước (WARECOD) phối hợp với Viện nghiên cứu BĐKH (trường Đại học Cần Thơ) tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và ra mắt mạng lưới bảo vệ môi trường và thích ứng với BĐKH ĐBSCL, tổ chức Rosa Luxemburg Stiftung (RLS) – Đức tài trợ. Đại diện Chi cục bảo vệ môi trường của 13 tỉnh vùng ĐBSCL, các Viện, trường, chính quyền địa phương và đông đảo sinh viên trường Đại học Cần Thơ đã đến dự.

            Tại hội thảo, các diễn giả của nhiều tổ chức như: bảo vệ sông ngòi và phát triển bền vững ở Việt Nam (VRN), tổ chức phi chính phủ (CCWG),… cùng các nhà khoa học, cán bộ quản lý đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp thích ứng với BĐKH, bảo vệ đa dạng sinh học trên các dòng sông, hướng đến những dòng sông hiền hòa không ô nhiễm, nâng cao nhận thức ứng phó với BĐKH, đào tạo mạng lưới hợp tác nghiên cứu khoa học để hỗ trợ phát triển nhân lực ĐBSCL.

Nhiều ý kiến cho rằng việc thành lập mạng lưới cộng đồng bảo vệ môi trường và thích ứng với BĐKH tại ĐBSCL là rất cần thiết và mang tính tự nguyện nhằm nâng cao nhận thức ứng phó với BĐKH, nâng cao năng lực, đào tạo về bảo vệ môi trường và BĐKH, liên kết tổng hợp chia sẻ cơ sở dữ liệu về các thông tin về môi trường và BĐKH, hợp tác nghiên cứu khoa học về môi trường và BĐKH thông qua các chương trình và dự án của tỉnh, Sở Khoa học và công nghệ, cùng các Viện nghiên cứu BĐKH để thực hiện hợp tác quốc tế.  Mục đích của việc thành lập mạng lưới này là bảo vệ môi trường thiên nhiên, ứng phó với BĐKH, duy trì đa dạng sinh học, góp phần cung cấp chất lượng môi trường sống tốt cho cộng đồng dân cư, đảm bảo sự phát triển bền vững của ĐBSCL trong tương lai, đóng góp vào nỗ lực quốc gia ứng phó với BĐKH ở ĐBSCL bằng cách thúc đẩy tiếng nói cộng đồng và xã hội nhân sự trong quá trình lập kế hoạch phát triển địa phương.

Nhiều đại biểu thống nhất tham gia mạng lưới cộng đồng bảo vệ môi trường và thích ứng với BĐKH tại ĐBSCL. Các đại biểu yêu cầu mạng lưới phải có pháp nhân chính thống, được xếp vào hệ thống tổ chức, có tên gọi riêng ngắn gọn và dễ nhớ; xác lập vai trò và trách nhiệm của người tham gia; xây dựng cơ chế, thành lập nhóm quản lý nhằm chia sẻ thông tin và đào tạo kỹ năng truyền thông.

Về ý nghĩa của việc tổ chức Hội thảo này, GS.TS. Lê Quang Trí, Viện trưởng Viện nghiên cứu BĐKH, Phó hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, nhấn mạnh: Việc phối hợp hành động giữa các đoàn thể, chính quyền và nhà khoa học trong bảo vệ môi trường và thích ứng BĐKH là rất cần thiết.



(Theo www.tainguyenmoitruong.com.vn)