Quy hoạch tài nguyên nước mặt đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH tại Long An

Nhằm phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước (TNN), hạn chế tới mức thấp nhất các nguy cơ ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước, đảm bảo an ninh về nước cho kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, năm 2017 Long An đã lập và triển khai Quy hoạch TNN mặt tỉnh Long An đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Đảm bảo nhu cầu sử dụng nước

Quy hoạch TNN mặt tỉnh Long An đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 là định hướng, cơ sở cho công tác quản lý, thẩm định, cấp phép và triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành, các dự án hỗ trợ đầu tư có liên quan đến việc khai thác, sử dụng, bảo vệ và phát triển TNN; bảo đảm cung cấp nước đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Mục tiêu của Quy hoạch là nhằm phân bổ, chia sẻ nguồn nước đảm bảo hài hòa giữa các lợi ích, ưu tiên nguồn nước cấp cho ăn uống sinh hoạt và sản xuất công nghiệp có giá trị cao, tiêu tốn ít nước và cho sản xuất nông nghiệp; khai thác, sử dụng nước phải đi đôi với bảo vệ nguồn nước, hạn chế tới mức thấp nhất các nguy cơ ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước.

Cụ thể, quản lý, bảo vệ để bảo đảm có thể khai thác hiệu quả, ổn định, lâu dài nguồn nước mặt với tổng lượng có thể khai thác khoảng 20.509 triệu m3/năm ứng với những năm trung bình nước (tần suất 50%) và khoảng 15.391 triệu m3/năm đối với những năm ít nước (tần suất 85%).

7-16

Đồng thời, quản lý, bảo vệ nguồn nước, xây dựng công trình để khai thác nước đáp ứng cho sinh hoạt và các nhu cầu khác trên phạm vi toàn tỉnh Long An đến năm 2020 đạt khoảng  2.809  triệu  m3/năm, đến  năm  2025  đạt  khoảng  2.722  triệu m3/năm và đến 2035 đạt khoảng 2.914 triệu m3/năm.

Theo nội dung Quy hoạch, tỉnh Long An được phân chia thành 5 tiểu vùng quy hoạch: Tiểu vùng Thượng sông Vàm     Cỏ Tây, Tiểu vùng Dương Văn Dương – Vàm Cỏ Tây, Tiểu vùng Thượng sông Vàm Cỏ Đông, Tiểu vùng Hạ sông Vàm Cỏ Tây và Tiểu vùng sông Cần Giuộc.

Trong điều kiện bình thường, tổng lượng nước mặt có thể khai thác sử dụng trong vùng quy hoạch ở thời điểm hiện tại khoảng 20.509 triệu m3/năm, đến năm 2020 khoảng 21.532 triệu m3/năm, đến năm 2025 khoảng 21.576 triệu m3/năm và đến năm 2035 khoảng 22.585 triệu m3/năm

Dự báo nhu cầu sử dụng nước cho các ngành, lĩnh vực khác nhau phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Long An đến năm 2020 khoảng 2.809 triệu m3/năm, đến năm 2025 khoảng 2.722 triệu m3/năm và đến năm 2035 khoảng 2.914 triệu m3/năm.

Để đảm bảo tính bền vững, linh hoạt, đảm bảo sự đồng thuận của các ngành sử dụng nước và chủ động ứng phó với các tình huống không lường trước do biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế – xã hội trung và dài hạn, Long An sẽ tập trung phân bổ nguồn nước cho các ngành trong các kỳ quy hoạch.

Theo đó, trong điều kiện bình thường, đáp ứng nhu cầu nước cho mục đích sinh hoạt, cấp nước tưới, sản suất công nghiệp. Trong trường hợp hạn hán, thiếu nước, đảm bảo đủ 100% nhu cầu sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt và đáp ứng tối đa khả năng của nguồn nước cho các mục đích khác.

Long An ưu tiên phân bổ theo các mục đích sử dụng nước chính như: nước cho sinh hoạt; nước cho công nghiệp; nước cho nông nghiệp (tưới và chăn nuôi); nước cho nuôi trồng thủy sản; nước phục vụ dịch vụ, du lịch; nước phục vụ giao thông thủy; nước dành cho mục đích bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, cải tạo môi trường.

Nguyên tắc bảo vệ TNN trong vùng quy hoạch, bảo vệ TNN lấy phòng ngừa là chính, bảo vệ chất lượng nước, hệ sinh thái thủy sinh, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên; bảo vệ chất lượng nước gắn với mục địch sử dụng nước, ưu tiên nguồn nước có tầm quan trọng để ổn định an sinh xã hội…

Giải pháp bảo vệ và phát triển

Để thực hiện hiệu quả Quy hoạch TNN mặt tỉnh Long An đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Long An sẽ tập trung triển khai các giải pháp: tăng cường công tác bảo vệ TNN, đặc biệt đối với các nguồn nước đang gia tăng về khai thác, sử dụng và tiếp nhận nguồn nước thải; thực hiện các biện pháp phòng, chống ô nhiễm, bảo vệ, phát triển bền vững TNN.

Khi lập quy hoạch và phê duyệt các quy hoạch đô thị, khu dân cư, khu du lịch, khu vui chơi, giải trí, khu công nghiệp, khu kinh tế,…, yêu cầu phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải phù hợp với quy mô xả nước thải, khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi phê duyệt quy hoạch.

Đặc biệt, tại những khu vực có sử dụng nước mặt cấp cho sinh hoạt, tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp, đầu nguồn các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây thì không đưa vào quy hoạch và không cấp phép ngành nghề có khả năng gây ô nhiễm môi trường và trong các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất.

Ưu tiên thực hiện các kế hoạch điều tra cơ bản đối với những vùng, những khu vực có nguy cơ ô nhiễm, khu vực khan hiếm nguồn nước và đang có nhu cầu khai thác tăng cao như: Tiểu vùng Cần Giuộc; Tiểu vùng  Thượng Vàm Cỏ Đông; Tiểu vùng Hạ Vàm Cỏ Tây.

Thanh tra, kiểm tra định kỳ hoạt động khai thác sử dụng nước và xả nước thải vào các nguồn nước, đặc biệt là khu vực có hoạt động sản xuất công nghiệp; yêu cầu thực hiện nghiêm túc các giải pháp bảo vệ môi trường, nhất là khai thác, sử dụng nước, xả nước thải trong các kế hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án sản xuất kinh doanh đã được phê duyệt.

Triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu để phòng, chống, giảm nhẹ các tác động của hạn hán, xâm nhập mặn; xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xử lý nước thải, chất thải gây ô nhiễm môi trường để bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ nguồn nước nói riêng.

Xây dựng các trạm, hệ thống cấp nước sinh hoạt theo tiêu chuẩn cấp nước sạch của Bộ Y tế để cấp nước sinh hoạt; xây dựng thêm các hồ chứa nước mặt có dung tích lớn trữ nước mặt để cấp nước sinh hoạt và chống hạn nông nghiệp vào mùa khô (hiện Long An đã có 1 dự án đang được nghiên cứu ở giai đoạn tiền khả thi tại xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường với diện tích dự kiến 100 ha).

Ứng dụng các công nghệ hiện đại trong quản lý, phân tích, đánh giá, giám sát tài nguyên nước như: định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) kết hợp với các công cụ ứng dụng hệ thống thông tin địa lý, công nghệ khảo sát địa vật lý, công nghệ phân tích ảnh viễn thám; sử dụng công nghệ quan trắc và truyền số liệu kỹ thuật số tự động từ các trạm quan trắc về trung tâm quản lý dữ liệu.

Tăng cường huy động các nguồn lực để quản lý, bảo vệ nguồn nước, huy động từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước bao gồm cả Trung ương và địa phương, kết hợp huy động nguồn lực của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ và sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, từng bước thực hiện xã hội hoá công tác quản lý, khai thác và bảo vệ TNN.

Thực hiện chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai nước để giải quyết nước sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân những khu vực vùng khan hiếm nước, vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn và vùng có điều kiện phát triển kinh tế – xã hội khó khăn; có giải pháp, quy định cụ thể khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để quản lý, bảo vệ phát triển nguồn nước.

Xây dựng và thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ và phát triển nguồn nước như: xây dựng các đê, cống ngăn mặn, lưu trữ nước ngọt; xây dựng hệ thống xử lý nước thải đối với các khu đô thị, khu dân cư và khu, cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung…

Nguồn kinh phí để thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm phục vụ công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển TNN dự kiến khoảng 47,2 tỷ đồng. Trong đó, phân theo các giai đoạn: kinh phí thực hiện trong giai đoạn 2016 – 2025 khoảng 17,2  tỷ đồng, kinh phí thực hiện trong giai đoạn 2026 – 2035 khoảng 30 tỷ đồng.